ClockThứ Ba, 29/09/2020 06:45

Phát triển xứng tầm đô thị phía Bắc

TTH - Với mục tiêu xây dựng Hương Trà trở thành đô thị động lực phía Bắc, địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, thị xã đã và đang có nhiều biện pháp tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Hương Trà cần hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững

QL1A đoạn qua thị xã Hương Trà được nâng cấp, mở rộng 

Công trình “trụ cột”

Ở vị trí quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây và trục giao thông đường bộ, đường sắt Bắc – Nam, Hương Trà còn sở hữu địa thế thiên nhiên đa dạng: từ đồng bằng đến đồi núi, biển và đầm phá; có cảnh quan thiên nhiên, di tích, vị thế đẹp để phát triển du lịch-dịch vụ; có tài nguyên, khoáng sản, đất đai đủ lớn để phát triển công-nông nghiệp. Nhất là địa phương có nguồn nhân lực trẻ, phong phú, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Sau ngày lên thị xã, để cải thiện diện mạo địa phương và thúc đẩy kinh tế- xã hội, UBND thị xã tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn đã được đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị, tạo ra một TX. Hương Trà khởi sắc, khang trang hơn. Diện mạo từ các xã miền núi Hương Thọ, Hương Bình, Bình Tiến đến xã biển Hải Dương, khu vực các phường trung tâm giờ đã có nhiều đổi thay.

Tuy vậy, theo Chủ tịch UBND thị xã Hà Văn Tuấn, muốn Hương Trà đẹp lên, “thị xã phải triển khai các công trình kết cấu hạ tầng mang tính trụ cột. Cải thiện môi trường cảnh quan để nâng cao chất lượng đô thị và cuộc sống cho người dân”.

Đó là chỉnh trang QL1A từ Tứ Hạ vào Hương Chữ, xây dựng quảng trường thị xã (năm 2021 triển khai) và các tuyến đường ngang nối từ QL1A vào trung tâm các phường, xã.

Đầu tư hạ tầng để “nâng” 3 xã: Hương Vinh, Hương Toàn và Bình Tiến lên phường. Chỉnh trang phố cổ Bao Vinh, xây dựng hệ thống các bến thuyền du lịch dọc sông Hương ở khu vực điện Hòn Chén (Hương Thọ) và Bao Vinh (Hương Vinh) để kết nối các tour du lịch. Song song đó là xây dựng các khu đô thị mới ở cửa ngõ phía Bắc, gồm Hương Vinh (hiện đang đấu thầu) và ở Tứ Hạ, Hương Văn (đang làm thủ tục). Để tạo cảnh quan, hệ thống công viên dọc bờ sông Bồ và sông Hương sẽ được xây dựng.

Với sự quan tâm của tỉnh cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, Hương Trà đang dần vươn lên trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư, thu hút được nhiều doanh nghiệp tên tuổi. Một số dự án (DA) khu du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô từ 200 đến trên 2.000 tỷ đồng được triển khai. Đáng chú ý, DA Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Hải Dương được tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư TDH biển Hải Dương Huế (EcoPark) đã giải phóng mặt bằng cơ bản xong. Ở Hương Hồ, làng du lịch sinh thái “Về nguồn” – Sankofa Village Hill Resort & Spa đi vào hoạt động hay DA khu nghỉ dưỡng cao cấp Hue Spirit Sanctuary của Công ty Hue Spirit Sanctuary đã đền bù cơ bản. DA khu nghỉ dưỡng vui chơi giải trí Cồn Tè – Rú Chá xã Hương Phong được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư…

Huy động nguồn lực

Đến nay, thị xã đã đạt 78.63 điểm trong tổng số 100 điểm xét phân hạng đô thị và cơ bản đã hội đủ các yếu tố, tiêu chí, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. UBND thị xã cũng đang xây dựng chương trình phát triển đô thị đến 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, Hương Trà tiếp tục hoàn chỉnh công tác quy hoạch và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực nội thị.

“Thị xã sẽ lựa chọn mô hình đô thị hoá hợp lý, đáp ứng tiêu chí xanh-sạch-đẹp”, Chủ tịch UBND thị xã Hà Văn Tuấn cho hay. Đồng thời, tiến hành chỉnh trang khu trung tâm các phường xã đảm bảo các tiêu chí đô thị và từng bước hình thành mạng liên kết không gian xanh toàn cụm đô thị trung tâm.

Theo ông Tuấn, thời gian tới, việc huy động nguồn lực, ngoài tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương, tỉnh để phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn mới (một phần từ nguồn lực của tỉnh ở chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tỉnh dành cho Hương Trà khoảng 470 tỷ đồng hỗ trợ các công trình lớn), thị xã sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách, huy động nguồn xã hội hoá đầu tư các khu đô thị mới để đầu tư hạ tầng. Riêng nguồn vốn thị xã khoảng gần 1.000 tỷ (từ thu quỹ đất, tỉnh phân cấp thị xã quản lý…), chưa tính các công trình Trung ương.

“Hương Trà xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn để huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, phân bổ các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm để phát triển đô thị. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các dự án thương mại, vui chơi giải trí, văn hoá thể thao, giáo dục, y tế… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay góp sức trong phát triển cơ sở hạ tầng từ nông thôn đến thành thị”, ông Tuấn nói.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”

TIN MỚI

Return to top