Sáng 15/12, hàng trăm hộ dân ở Phong Điền đổ xô ra ruộng thu hoạch sắn ngập úng. Trong mưa, những khuôn mặt lấm lem bùn đất đang hì hục nhổ từng gốc sắn để vớt vát được tí nào hay tí ấy.
Số diện tích sắn chưa thu hoạch ở Phong Điền còn khá nhiều
Ông Hoàng Lâu (thôn Phò Ninh, xã Phong An) buồn rầu: “Lũ ngập nhiều ngày khiến củ sắn ngâm nước bị hư thối. Còn sắn đã thu hoạch trước lũ chưa kịp chở đến nhà máy cũng đành chất đống và bị thối trên ruộng.
Bà Hồ Thị Nở (thôn Phò Ninh) cho biết, gia đình còn khoảng 2ha sắn chưa kịp thu hoạch thì bị lũ. “Bây giờ sắn bị vàng lá và sắp chết hơn nửa. Nếu trong hai ngày tới mà không nhổ xong củ sẽ thối hết”, bà Nở lo lắng.
Lo ngại mưa lũ tiếp tục trong những ngày tới, bà con ở thôn Hiền Sĩ (xã Phong Sơn) cũng đang tất bật thu hoạch sắn và gom số lượng sắn sau thu hoạch để kịp vận chuyển nhập cho Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế.
Bà Nguyễn Thị Đào (thôn Hiền Sĩ) chia sẻ: “Bao nhiêu dự định nhờ sắn để trả bớt nợ, gửi tiền cho con ăn học coi như tiêu tùng vì lũ hết rồi”. “Hiện, tôi huy động hết nguồn nhân lực trong gia đình và nhờ thêm hàng xóm để thu hoạch sắn”, ông Lê Ngọc Luân ở thôn Hiền Sĩ nói thêm.
Hiện tại, giá sắn từ 2.500 đồng/kg thời điểm trước lũ đã hạ xuống còn 1.700-1.900 đồng/kg. Dù vậy, bà con đang tất bật nhổ và nhập sắn ngay cho Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế sớm chừng nào tốt chừng đó.
Những hình ảnh nông dân Phong Điền thu hoạch sắn sáng 15/12:
Sáng sớm, nhiều người đã đội mưa thu hoạch sắn khi lũ rút
Do ngâm nước, sắn rất dễ nhổ. Nhưng điều này không làm bà con nơi đây phấn khởi
Sau khi nhổ, nông dân dùng dao, rựa chặt từng củ sắn và gom lại thành từng đống
Đặc điểm của sắn là chỉ cần ngâm nước 2-3 ngày là lá bị vàng, củ mau hư thối
... để dễ mang vác chất lên xe tải
Tuy giá mua vào của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế đã hạ, nhưng với bà con, vớt vát được chút nào hay chút ấy
Nhân Dũng (thực hiện)