Sen chết nhiều ở một hồ trồng tại thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền
Sen chết bất thường
Phong Hiền là xã có số lượng trồng sen nhiều nhất huyện Phong Điền với 64,8ha. Theo thống kê đến tháng 6/2019, đã có 39,8ha của 36 hộ dân bị chết, thiệt hại hoàn toàn.
Ông Hoàng Đô, thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền là một trong những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng sen. Theo đó, năm 1996, ông bắt đầu việc trồng sen. Ngoài diện tích 1ha ở thôn Sơn Tùng, ông còn thuê hồ ở xã Quảng Thái để trồng sen. Tuy nhiên, do thiếu nhân công và xuất hiện hiện tượng sen chết rải rác nên vài năm trở lại đây, ông không thuê hồ nữa mà chỉ trồng sen ở thôn Sơn Tùng. Để tránh hiện tượng sen chết như năm 2018, trước khi vào vụ trồng sen năm 2019, ông đã dùng vôi để xử lý hồ. Tuy nhiên, năm nay trên diện tích 1ha sen gia đình ông trồng đã chết một nửa.
Theo ông Đô, sen chết ông không rõ nguyên nhân, bởi hồ đã được ông cải tạo nhiều lần bằng rải vôi. Hiện tượng sen chết là do phần thân cây sen dưới mặt nước khoảng 10 phân bị teo thối 1 đoạn dẫn đến sen chết. Đặc biệt sen thường chết khi mưa xuống... Vì bệnh của cây xuất hiện dưới nước nên không có thuốc gì để xử lý.
Ông Phan Toàn, Thôn trưởng thôn Sơn Tùng cho biết, không rõ nguyên nhân nào sen chết, nhưng những vùng trồng lúa thấp trũng của người dân chuyển qua trồng sen là chết nặng nề nhất. Có nơi sen chết hoàn toàn mà không phát triển trở lại như ở những vùng hồ, ao. Trong đó, có hộ ông Võ Ngừng, Trần Phương (1 ha), hộ ông Trần Hoa (1,2ha) chết hoàn toàn... Đặc biệt, trên vùng Bàu Niên là hồ nước sâu, rất thích hợp với việc trồng sen, nhưng lại chết 50% trong tổng số 50ha. Theo ông Toàn, sen chết bất thường có thể là do giống sen bị nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền khẳng định: "Nguyên nhân bước đầu được xác định là do thời tiết nắng nóng và nguồn nước bị ô nhiễm. Hơn nữa, cây sen chết là do bị bệnh thán thư. Hiện nay, UBND xã đã báo cáo cấp trên và lấy mẫu để xét nghiệm nhưng đến nay chưa có kết quả.
Có những hồ sen chỉ còn lác đác vài cây
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, toàn huyện có trên 327ha sen trồng trên 15 xã, thị trấn. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 82ha sen bị chết rải rác, chủ yếu tập trung ở các xã Phong Hiền, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An... Tỷ lệ chết bình quân từ 30-50%. Hiện nay, khoa Nông học Trường đại học Nông lâm, ĐH Huế đã lấy mẫu ở một số vùng để nghiên cứu, nhằm tìm nguyên nhân chính xác để xác định hiện tượng sen chết trên địa bàn huyện Phong Điền.
Quy hoạch vùng trồng
Theo người trồng sen, những vùng đất trũng rất thích hợp với việc trồng sen. Chỉ cần mua giống, thuê người trồng với giá 300 ngàn đồng/sào và sau 3 tháng là có thu hoạch. Một sào sen tùy thời điểm có thể cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng. So với cây lúa, cây sen cho thu hoạch gấp từ 5-6 lần. Chính vì vậy, nhiều người đã chuyển vùng trồng lúa thấp trũng, có năng suất thấp sang trồng sen. Chỉ tính riêng năm 2019, trên địa bàn toàn huyện, người dân đã chuyển đổi trên 87ha lúa vùng trũng, năng suất thấp sang trồng sen.
Niềm vui khi thu hoạch sen, bởi sen có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với lúa
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa, Trưởng khoa Nông học Trường đại học Nông lâm, ĐH Huế cho biết, 3 năm trở lại đây hiện tượng sen chết diễn ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do người dân tự phát chuyển đổi vùng trồng, không theo quy hoạch. Những vùng điều kiện sinh thái không phù hợp sẽ làm cây sen phát triển yếu, bị vi sinh vật xâm nhập, gây hại và lan ra các vùng khác. Trước mắt, khoa đang triển khai thí nghiệm một số biện pháp để phòng trừ; sau đó, nghiên cứu, xác định vi sinh vật gây bệnh để từ đó xây dựng quy trình phòng trừ bệnh tổng hợp; đồng thời điều tra, khảo sát, xác định vùng trồng cho phù hợp để đề xuất, tham mưu huyện Phong Điền triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết, hiện nay, phòng đang xây dựng đề án phát triển cây sen trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, giải quyết vấn đề trước mắt như: tổ chức lại sản xuất, thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... để liên kết lại; quy hoạch lại vùng trồng sen; hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định, giúp các nhóm hộ, tổ hợp tác yên tâm sản xuất lâu dài.
Tại buổi làm việc mới đây giữa huyện Phong Điền và Trường đại học Nông lâm cùng các phòng, ban liên quan, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các xã quy hoạch lại vùng trồng sen Huế, vùng trồng sen cao sản để phục vụ nhu cầu canh tác của bà con; phối hợp với Trường đại học Nông lâm nghiên cứu, xử lý bệnh trên cây sen; xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn để sản xuất sen; thực hiện mô hình nhân giống sen tại xã Phong Hiền, hướng đến thành lập trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống cây sen trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Hải Huế