Nguyên nhân được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xác định là do bệnh thán thư, với biểu hiện ban đầu là vài đốm tròn nhỏ trên lá sau đó mới lan rộng ra làm sen khô lá, héo cành và chết nên rất khó phát hiện. Đáng lo ngại là khả năng bệnh này có nguy cơ lan rộng và nếu mắc bệnh sen khó có thể sống sót chứ đừng nói đến cho hoa, kết hạt…
Vài năm trở lại đây, không chỉ Phong Điền mà nhiều địa phương khác như Phú Lộc, Phú Vang phát triển diện tích trồng sen khá lớn. Chỉ riêng Phong Điền đã gần 150 ha và tập trung chủ yếu ở hai xã Phong An và Phong Hiền. Ở Phú Vang thì có Vinh Thanh, với khoảng 45 ha, Phú Lộc cũng có một số xã ở Lộc Sơn, Lộc An… cũng trồng sen hồng ở những chân ruộng sâu hay vùng đất kém màu mỡ, năng suất thấp.
Khi một vài hộ bắt đầu chuyển đổi cây trồng từ lúa hoặc cây trồng khác cho năng suất thấp sang trồng sen ở những chân ruộng sâu, ngập nước và đem lại kết quả ngoài mong đợi, năng suất, thu nhập từ sen gấp 4-6 lần so với trồng lúa thì phong trào trồng sen bắt đầu phát triển. Ban đầu chỉ ở những chân ruộng sâu, trồng lúa, nếp năng suất thấp, dần rồi đến những vùng đất kém màu mỡ, đất của Nhà nước ít canh tác nên người dân thuê rồi đào ao, trồng sen, nuôi cá… Vụ đầu thắng lớn, đến vụ thứ hai, ba cũng cho năng suất chưa bằng nhưng so với trồng lúa hoặc để đất trống, trồng sen vẫn là lựa chọn tốt. Thế nhưng, đi kèm với món lợi mà người dân có được từ trồng sen lại không cùng với những đầu tư khác như cải tạo đất, xử lý các loại dịch, sâu bệnh có hại, thay nước… nên vụ này bắt đầu xuất dịch bệnh khiến sen chết, người trồng thất thu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh thán thư trên sen hiện vẫn chưa dừng lại và càng nhanh phát triển, lây lan rộng khi cây sen bị yếu, thiếu sức đề kháng và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do biện pháp canh tác và tầng đất canh tác trên vùng đất chuyển đổi chưa phù hợp. Có nơi người dân còn trồng quá nhiều cây/m2 so với quy định nhằm thu được nhiều hoa, hạt hơn, song chính những điều đó lại gây tác dụng ngược.
Ngoài nguyên nhân chính từ người dân “thấy người ăn khoai mình vác mai đi đào", thì ở đây cũng cần nhắc đến vai trò của những cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, quản lý diện tích trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nếu ngay từ đầu, các cơ quan, địa phương liên quan làm tốt công tác định hướng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, xử lý dịch bệnh có lẽ thiệt hại đã không nhiều như thế.
Có vẻ như kịch bản này không mới và đang lặp lại với một số cây trồng, vật nuôi trước đây, ví như nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Ban đầu cũng chỉ vài hộ, sau do làm ăn có lãi cũng phát triển rầm rộ nhưng do thiếu định hướng cũng như hệ thống xử lý nước, chất thải không đảm bảo khiến tôm chết, nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần, trắng tay. Thời gian gần đây, một số hộ đầu tư hệ thống xử lý, huyện, tỉnh kiên quyết không cho phát triển thêm ao nuôi mới có một số hộ có lãi, song số hộ thất bát vì nuôi tôm chân trắng vẫn còn.
Rõ ràng, trồng sen không tốn nhiều kinh phí như nuôi tôm chân trắng, song với người nông dân, một đồng cũng là mồ hôi nước mắt. Thế nên, trước khi chờ cơ quan chức năng hướng dẫn, có giải pháp xử lý, họ cũng cần chủ động cập nhật kiến thức, kỹ thuật để tự cứu mình, đừng để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì e đã muộn.
Tâm Huệ