ClockThứ Hai, 25/07/2022 06:30

Phòng trừ bệnh cho cao su

TTH - Hơn 500ha cao su trên địa bàn tỉnh đang bị các loại bệnh nguy hiểm hoành hành, như xì mủ, loét sọc miệng cạo, thán thư, nấm hồng, đốm lá, rụng lá corynespora…

Chú trọng sản phẩm ở địa phương

Cạo mủ cao su

Ông Nguyễn Phương ở thôn Phú Hòa, xã Hương Phú, huyện Nam Đông rất lo lắng trước 5ha cây cao su phần lớn diện tích đã cho khai thác mủ bị bệnh xì mủ và một số bệnh phát sinh gây hại. Từ hơn một tháng nay, mặc dù ông Phương triển khai các biện pháp phòng trừ nhưng bệnh vẫn chưa giảm, thậm chí có xu hướng lây lan khá nhanh.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông, ông Nguyễn Hữu Ánh khẳng định, một số loại bệnh nguy hiểm như loét sọc miệng cạo, xì mủ… đang lây lan trên nhiều diện tích cao su tại các địa phương. Đây là các loại bệnh thường xảy ra, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trừ một cách triệt để. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang tổ chức hướng dẫn các hộ trồng triển khai biện pháp ngăn chặn, hạn chế tối đa khả năng bệnh lây lan, gây hại nặng trên cao su.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, bệnh xì mủ trên cao su đang diễn ra tại các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới và TX. Hương Trà với diện tích nhiễm gần 200ha, tỷ lệ bệnh 5-10%. Bệnh loét sọc miệng cạo hoành hành trên diện tích 250ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, TX. Hương Trà. Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh thán thư, nấm hồng, đốm lá, rụng lá corynespora… gây hại cục bộ, tỷ lệ bệnh thấp.

Ông Lê Văn Anh nhận định, các bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo... có khả năng tiếp tục phát sinh, gây hại nặng trên cao su trong thời gian tới. Chi cục kết hợp điều tra, theo dõi chặt chẽ một số bệnh gây hại để có biện pháp hướng dẫn phòng trừ kịp thời, hạn chế lây lan.

Ngành bảo vệ thực vật lưu ý, với bệnh loét sọc miệng cạo, xì mủ, người dân phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện cây bị bệnh, nếu thấy miệng cạo có vết loét thối rữa, có mùi hôi, mủ xì ra thì phải ngưng cạo mủ. Theo đó, phải làm sạch vết thương, dùng một trong các thuốc như Aliette, Vimonyl, Ridomil Gold... hòa nước để bôi vào vết bệnh. Sau khi kết thúc mùa khai thác mủ, phải vệ sinh miệng cạo sạch sẽ, sau đó dùng một trong các loại thuốc trên bôi vào vết cạo, để khô thuốc rồi bôi Vazelin hoặc thuốc liền sẹo lên bên ngoài nhằm bảo vệ vết cạo không bị thấm nước mưa, hoặc nấm bệnh xâm nhập.

Bệnh rụng lá corynespora là loại bệnh khá nguy hiểm đối với cao su. Bệnh thường xuất hiện sau khi cây ra lá non, nếu bị nặng sẽ làm rụng hết lá và cây bị chết. Khi bị bệnh, trên lá non xuất hiện đốm hình kim, sau đó vết bệnh lớn dần, lá bị khô và rụng. Người dân cần kiểm tra và phun trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện, tốt nhất là phải phun phòng trừ khi cây mới ra lộc. Các loại thuốc sử dụng để phun phòng trừ như Anvil, Vivil, Vixazole với liều lượng 2 lít thuốc pha với 500- 600 lít nước phun cho 1ha.

Với bệnh nấm hồng, người dân cần nhận biết vết bệnh ban đầu xuất hiện những giọt mủ có màu hơi trắng, gặp điều kiện thuận lợi vết bệnh từ màu trắng chuyển sang màu hồng nhạt và lan rộng... Khi phát hiện bệnh nên cắt bỏ những cành chết do bệnh để hạn chế sự lây lan và phun trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất Validamycin như Validacin, Vivadamy, Vanicide… Riêng bệnh héo đầu đen cần phun trừ kịp thời khi cây bị bệnh, hoặc phun phòng khi cây ra lá non bằng các loại thuốc có gốc đồng như Champion, Funguran...

Bài, ảnh: TRIỀU DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguồn học liệu quý cho trẻ mầm non

Những tác phẩm từ cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế, tranh vẽ về văn hóa Huế, sưu tầm văn hóa dân gian do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức là nguồn học liệu quý trong thực hiện chương trình giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non.

Nguồn học liệu quý cho trẻ mầm non
Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng
Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top