ClockThứ Ba, 05/05/2020 06:15

“Quả ngọt” từ kinh tế vườn

TTH - Với 3.800 hộ tham gia, giá trị thu nhập bình quân ước đạt 44,5 triệu đồng/ha/năm, kinh tế vườn được xem là hướng mở giúp người dân Nam Đông phát triển kinh tế, khi tập trung chuyên canh một số loại cây như: cam, dứa, chuối…

Mở rộng vườn mẫu ở Hương PhongVươn lên, hướng đến làm giàu

4ha chuyên canh cam của ông Phan Gia Năm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tập trung chuyên canh

Với 4ha chuyên canh trồng các loại cam: Xã Đoài, Vân Du, Sài Gòn và V2, năm 2019, vườn cam của ông Phan Gia Năm (xã Hương Hữu) thu hoạch hơn 12 tấn cam, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Đây là một trong những hộ điển hình của phong trào làm vườn của  huyện Nam Đông.

Ông Phan Gia Năm kể, lúc đầu ông chỉ trồng thí điểm 3 cây để nghiên cứu, nếu khả quan sẽ  tiếp tục mở rộng diện tích. Một lần tham quan mô hình trồng cam tại Nghệ An, nhận thấy khí hậu tại đây có nhiều điểm tương đồng với Nam Đông và được huyện hỗ trợ bán cây giống ưu đãi với giá 15 nghìn đồng/cây, ông đầu tư mở rộng vườn, tập trung chuyên canh cây cam với quyết tâm “Người ta làm được, mình cũng làm được”.

Theo ông Năm, để thực hiện mô hình kinh tế vườn một cách hiệu quả, việc quan trọng nhất là xác định loại cây chủ lực để chuyên canh. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố như nước tưới, hệ thống điện để tìm loại cây phù hợp với điều kiện thực tế của vườn. Với các loại cây yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao như cam, cần tuân thủ đúng quy trình chăm sóc mới có thể đạt hiệu quả cao.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông, đến nay toàn huyện có 3.800 hộ hưởng ứng phong trào lập vườn, chăm sóc vườn; trong đó có 350 hộ trồng mới; 1.250 hộ cải tạo; 2.200 hộ chăm sóc, với các cây trồng chủ lực là cam, chuối, dứa, cau…Giá trị thu nhập bình quân từ kinh tế vườn ước đạt 44,5 triệu đồng/ha/năm.

Dự án trồng cam trên địa bàn huyện được triển khai thuận lợi, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn huyện trồng đợt 1 được 8,42ha/43 hộ; đang triển khai đợt 2 với diện tích 12,3 ha/81 hộ đăng ký, nâng tổng diện tích đã đăng ký và trồng lên 20,72 ha. Ngoài hỗ trợ phát triển cây cam, huyện tiếp tục triển khai phát triển 16ha chuối đặc sản, 11,7 ha dứa. Đến nay, các hộ đã đăng ký đủ theo diện tích phân bổ và sẽ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai trồng trong thời gian tới.

Đảm bảo đầu ra

Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, phong trào làm vườn trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực, song vẫn còn một số gia đình thiếu quan tâm đến kinh tế vườn, thiếu đầu tư thâm canh, ít bón hoặc chưa bón phân cho cây trồng. Nhiều vườn vẫn còn trồng keo, sắn và cây ít hiệu qủa kinh tế nên chưa thể xóa hết vườn tạp.

Để nâng cao giá trị kinh tế vườn, năm 2020, huyện tập trung đẩy mạnh phong trào chăm sóc, lập vườn với mục tiêu thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/ha/năm; tiếp tục triển khai Dự án phát triển cam Nam Đông; chuẩn bị giống, quản lý chặt chẽ chất lượng giống; chuẩn bị đất trồng và đúng lịch thời vụ. Đồng thời, nâng tỷ lệ vườn được chăm sóc, bón phân đúng yêu cầu kỹ thuật đạt 90%; mỗi xã có từ 3 vườn mẫu trở lên để nông dân học tập, nhân rộng; diện tích cây trồng đặc sản đạt 100%, trong đó diện tích trồng mới như: Cam, chuối đặc sản, dứa gần 90 ha và một số cây trồng khác.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện đơn vị đã chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vốn Chương trình 135…Đồng thời, tổ chức tốt công tác chỉ đạo làm vườn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, cán bộ của ngành nông nghiệp; phân công trách nhiệm từng cán bộ, đảng viên phụ trách chỉ đạo từng nhóm hộ, hộ gia đình; phân công các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp hỗ trợ các hộ gia đình lập vườn, xây dựng vườn mẫu. Vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị và thu nhập bình quân đầu người.

“Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề quan trọng. Vừa qua, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cam Nam Đông” giúp người dân trong vùng dự án tăng thu nhập bền vững từ sản phẩm địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong năm nay, Nam Đông chuẩn bị ra mắt HTX cây ăn quả Hương Hòa và tiến tới thành lập nhiều HTX nông nghiệp hơn nữa để hỗ trợ người dân”, ông Lê Thanh Hồ thông tin.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Nền tảng thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp phát triển

Được xem là trụ đỡ của nền kinh thế, ngành nông nghiệp luôn được quan tâm để từng bước tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết (NQ) hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (SXNN) nhằm tạo hiệu quả cao.

Nền tảng thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp phát triển

TIN MỚI

Return to top