|
Chị Kim Anh (trái) chia sẻ về quá trình chăm sóc nấm bào ngư |
Nhà nấm – xưởng sản xuất với 6.000 phôi nấm bào ngư (hay còn gọi là nấm sò tím) đang được chăm sóc mỗi ngày, để tầm nửa tháng nữa là đến ngày thu hoạch. Nụ cười thật rạng rỡ khi chị Kim Anh kể về việc “bén duyên” và duy trì phát triển sản xuất loại nấm này dài lâu.
Trước đó, với khao khát phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vợ chồng chị Kim Anh đã tìm tòi, học hỏi mô hình trồng nấm và mạnh dạn trồng nấm sò trắng. Do mới trồng thử nghiệm, nên gia đình chị đầu tư 1.200 phôi nấm. Mỗi phôi từ lúc trồng đến lúc thu hoạch kéo dài 6 tháng. Với 1.200 bịch phôi nấm, thời gian đầu cho năng suất cao, thu hoạch mỗi ngày khoảng 15kg nấm. Với giá bán 50 nghìn đồng/kg, chị Kim thu về 750 nghìn đồng mỗi ngày. Sau tháng đầu tiên, lượng nấm thu hoạch mỗi tháng sẽ giảm dần (nhưng vẫn có lãi), cho đến lúc “gầy” vụ mới.
Nhận thấy trồng nấm cho hiệu quả kinh tế ổn định, nên khi có dự án (DA) trồng nấm bào ngư, nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm thuộc DA Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), gia đình chị Kim Anh đã đăng ký tham gia cùng 13 hộ gia đình khác; được hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, giàn giá, pet phun nước, lò hấp... Những hộ tham gia DA tự chăm sóc nấm, thu hoạch và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tham gia DA làm nấm có 14 hộ, do chị Kim Anh làm nhóm trưởng (xưởng sản xuất đặt tại nhà chị Kim Anh). “Nhiều thành viên trong nhóm đi làm ăn xa với mức thu nhập cao hơn, nên không mặn mà với công việc làm nấm. Hiện tại, cơ sở nấm đều do tôi chăm sóc” - chị Kim Anh chia sẻ.
Theo chị Kim Anh, để nấm cho năng suất cao, người trồng phải nắm chắc các kỹ thuật, các yếu tố về thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... Tùy theo thời tiết để điều chỉnh lượng nước tưới mỗi ngày; nếu trời im mát chỉ cần tưới 3 lần/ngày, nhưng nếu nắng nóng phải tưới 5 lần/ngày. Nếu nhiệt độ thời tiết không cao, chỉ cần tưới phun sương là được, nhưng nếu nhiệt độ cao phải tưới bằng vòi đẫm sàn để nước bốc hơi cho nấm tự hấp thụ. Vào những ngày quá nóng, phải tưới bằng vòi trực tiếp lên phôi mới đảm bảo.
Mỗi tháng, gia đình chị Kim Anh thu hoạch nấm bào ngư 2 đợt (dịp ngày rằm và mùng 1 âm lịch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nấm cho những món chay); mỗi đợt thu hoạch tầm 2 tạ nấm. Sau khi thu hoạch xong phải vệ sinh nút phôi cho sạch rồi đậy nắp phôi lại, tiếp tục tưới nước. Trước ngày thu hoạch 5 ngày, chỉ cần mở nắp phôi là nấm mọc. Nấm thường thu hoạch vào buổi sáng để đảm bảo độ tươi ngon và bán được giá. Hiện tại, giá nấm bán lẻ là 60 nghìn đồng/kg, giá bỏ sỉ là 40 nghìn đồng/kg. Lượng nấm cơ sở chị Kim Anh đưa ra thị trường đều được thu mua hết.
Thời điểm thu hoạch nấm là bận rộn nhất. Mỗi ngày bắt đầu từ 2 - 3 giờ sáng để hái nấm, cắt chân nấm, bỏ bì, đóng gói, kịp đưa nấm ra thị trấn A Lưới tiêu thụ vào sáng sớm. Nhờ được dự án đào tạo kỹ thuật, nên trong thời gian tới, vợ chồng chị Kim Anh tự sản xuất phôi, thay vì mua như trước đây để phát triển sản xuất bền vững hơn và cho lãi ròng cao hơn.
“Sự chăm chỉ và ham học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã mang lại thành công bước đầu trong sản xuất của vợ chồng chị Kim Anh, không những giúp gia đình phát triển kinh tế, cuộc sống ổn định hơn, mà còn là tấm gương, động lực cho người dân trên địa bàn cố gắng vươn lên” - Trưởng thôn Kê 2 phấn khởi.