ClockThứ Ba, 23/02/2016 17:41

Quảng Điền: Hướng đến vùng sản xuất tập trung

TTH - Sản xuất manh mún là điểm yếu trong nền nông nghiệp huyện Quảng Điền và cũng là nguyên nhân khiến việc liên kết mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn.

Nhỏ lẻ, manh mún

Tại cuộc họp bàn về công tác chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền kinh tế huyện Quảng Điền, mới đây, ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ rõ: Dù có những chuyển biến song, tại từng vùng vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Chẳng hạn, tại vùng vẫn còn sản xuất rau an toàn của xã Quảng Thành chỉ 17 ha, nhưng có trên 200 hộ cùng canh tác; HTX Quảng Thọ 2 có 42 ha rau má cũng trên 300 hộ tham gia sản xuất. Trung bình mỗi hộ có khoảng từ 1 đến 3 sào trong vùng sản xuất. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng cũng như phát triển thị trường, bởi mỗi người có những cách nghĩ, cách làm khác nhau.

 Nhiều nông dân cùng sản xuất trên một diện tích nhỏ (làng rau Thành Trung, xã Quảng Thành)

Nhằm đảm bảo tính công bằng trong sản xuất, các địa phương đều chia bình quân đất sản xuất, hộ nào cũng có ruộng cao, ruộng thấp trũng, ruộng xấu, ruộng tốt. Mỗi hộ được phân bổ từ 1 đến vài sào ruộng, nhưng trung bình mỗi ha cũng có ít nhất 20 hộ cùng canh tác. Sản xuất nông nghiệp quá nhỏ lẻ, manh mún, khiến việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gặp không ít khó khăn, chủ yếu dừng lại ở việc đưa máy gặt đập liên hợp vào gặt lúa.

Ông Phan Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành còn chỉ ra một nguyên nhân khác, đó là muốn mở rộng sản xuất phải đầu tư máy móc, thuốc, phân bón cần nhiều vốn, nhưng việc tiếp cận vốn vay của người dân vẫn rất hạn chế. Người nông dân thiếu thông tin thị trường, chủ yếu làm theo phong trào, đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào lái buôn, nên không thể chủ động trong sản xuất.

Thay đổi tư duy

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, quy mô hộ gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo hình thức trang trại và doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện cần thu hút được các doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường. Ví như việc Tập đoàn Quế Lâm hợp đồng với doanh nghiệp Hóa Châu (Quảng Thành) đưa mô hình sản xuất rau hữu cơ vào thử nghiệm và bao tiêu, sản phẩm. Nếu mô hình này thành công sẽ tạo được đà phát triển rất lớn cho nông nghiệp Quảng Điền trong thời gian tới.

Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng được xem là hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Tại HTX Quảng Thọ 2, đơn vị đứng ra đăng ký xây dựng vùng sản xuất rau má tập trung theo hướng an toàn với diện tích 42 ha. Với sự hỗ trợ của huyện và các chương trình khuyến nông, khuyến công, HTX mạnh dạn xây dựng thương hiệu rau má Quảng Thọ, nhận bao tiêu sản phẩm, sản xuất các mặt hàng chế biến từ rau má như: trà rau má sấy khô, trà rau má túi lọc…tiến tới sản xuất trà rau má đóng chai là hướng đi đúng.

Trên cơ sở thành công đó, huyện Quảng Điền đã mở rộng thêm 17ha rau màu tại vùng sản xuất rau tập trung xã Quảng Thành, tiến tới quy hoạch thêm 18ha tại đây vào năm 2016. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng vào những cây chủ lực của các địa phương như: môn sen Quảng Ngạn, mía Quảng Phú, kiệu Quảng Thái, Quảng Lợi.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Song song với việc xây dựng thương hiệu, chúng tôi cũng tiến hành nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn và cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đó. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết bảo đảm “đầu ra”, giảm thiểu đầu mối trung gian, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm. Hiện, huyện Quảng Điền có khá nhiều chính sách khuyến khích các cá nhân, đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân như: hỗ trợ trong vay vốn, cơ chế…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất tại Quảng Điền lúc này là khả năng huy động nguồn lực, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cùng nông dân xây dựng chuỗi cung ứng. “Địa phương đang rất nỗ lực đẩy mạnh liên kết 4 nhà; tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất; thực hiện chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời vận động, khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa để sản xuất hàng hóa tập trung; tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương trong công tác quảng bá sản phẩm, đưa những sản phẩm này vào các siêu thị, các bếp ăn tập thể”, ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền chia sẻ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Thi đua sản xuất giỏi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD), với tổng số khoảng 700 thành viên. Các CLB được thành lập đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy sản xuất, giúp hội viên, nông dân (HVND) vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Thi đua sản xuất giỏi
Gam sáng trong sản xuất công nghiệp

Nhiều dự án công nghiệp (CN) trọng điểm đi vào hoạt động, cùng với đó là tín hiệu khởi sắc từ các ngành CN truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy sự đóng góp rất tích cực của ngành CN vào sự tăng trưởng chung.

Gam sáng trong sản xuất công nghiệp
PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Return to top