Người dân Quảng Lợi đào hố chôn hủy lợn dịch
Trang trại chủ động
Ông Ái Hiệp, chủ trang trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại vùng cát Quảng Điền tỏ ra khá am hiểu về DTLCP và các biện pháp bảo vệ an toàn cho đàn lợn. Từ khi DTLCP lần đầu tiên xảy ra tại một số tỉnh, thành, ông Hiệp thường xuyên theo dõi, tìm hiểu sự nguy hại của loại dịch bệnh này thông qua đài, báo, ti vi.
Ý thức được DTLCP đến nay vẫn chưa có vắc xin đặc trị, ông Hiệp bảo vệ đàn lợn thông qua các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường, chăm sóc vật nuôi tốt hơn. Hầu như ngày nào ông cũng rải vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi, tăng cường thức ăn tinh bột, các loại vitamin đảm bảo đề kháng cho lợn. Quanh khu vực trang trại còn được ông Hiệp làm hình nộm để xua đuổi chim di trú có thể mang mầm bệnh đến lây truyền.
Nhận định thời tiết nắng nóng phức tạp, kéo dài là điều kiện rất dễ xảy ra dịch bệnh, ông Ái Hiệp mở toàn bộ các cửa chuồng trại tạo không khí thoáng mát, thường xuyên tắm lợn bằng nước sạch. Mỗi ô chuồng 10-20 con được lắp đặt một máy quạt điện, hoạt động vào những lúc cao điểm từ 11 giờ đến 15 giờ chiều, hoặc khi nhiệt độ cao. Những ngày nắng nóng, ông giảm lượng thức ăn khoảng 5-10%, lắp đặt thêm máng nước uống tự động nhằm đảm bảo đủ nước uống thường xuyên cho lợn…
Các hộ nhỏ lẻ chủ quan
Người dân Quảng Thọ chôn hủy lợn bệnh
Trong khi ông Hiệp cũng như các chủ trang trại ở vùng cát Quảng Điền rất quan tâm và hiểu biết trong công tác phòng ngừa DTLCP thì nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tỏ ra chủ quan, thiếu hiểu biết trong công tác phòng dịch bệnh.
Bà Trần Thị Lan ở xã Quảng Phước nuôi 10 con lợn thịt, 2 lợn nái, trong điều kiện nắng nóng, nguy cơ xảy ra DTLCP rất cao nhưng hộ này chưa chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bà Lan thừa nhận: “Tui không biết phòng, chống dịch bằng cách nào nên phải chờ cán bộ thú y đến hướng dẫn mới có thể triển khai”.
Ông Trần Văn Thắng ở cùng xã, chủ quan: “Mấy chục năm nay lợn nuôi của tui chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh. Tui cũng không hiểu biết nhiều về DTLCP, mới đây chỉ nghe qua trên báo, đài, Tivi. Tui cũng không biết triển khai các biện pháp phòng chống dịch như thế nào nhưng đến nay 12 con lợn được nuôi bình thường, cho ăn uống đầy đủ, không bị dịch bệnh”.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Nguyễn Thị Hiền đánh giá, phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa hiểu biết nhiều về DTLCP cũng như các biện pháp phòng, chống dịch. Đó là chưa kể nhiều hộ còn chủ quan với loại dịch bệnh nguy hiểm này. Từ khi DTLCP xuất hiện trên địa bàn xã, chính quyền địa phương cử lãnh đạo, cán bộ thú y về tận các hộ gia đình để tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài tiêm vắc xin bổ sung vụ xuân, cán bộ thú y cùng với người dân rải vôi khoanh vùng dịch, tiêu độc khử trùng toàn bộ các hộ chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Ban ngành vào cuộc
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến thông tin, đến nay trên địa bàn huyện đã có 3 xã xuất hiện DTLCP, buộc chôn hủy hơn 20 con lợn. Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục trong những ngày qua làm cho đàn vật nuôi giảm sức đề kháng là điều kiện thuận lợi cho DTLCP xảy ra và lây lan nhanh.
Để chủ động phòng, chống DTLCP cũng như các loại bệnh mùa hè cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kể cả các trang trại quy mô lớn ở vùng trang trại rú cát xã Quảng Vinh, Quảng Lợi và Quảng Thái.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Văn Quang đích thân cùng với cán bộ khuyến nông, thú y đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống DTLCP. Cán bộ thú y hướng dẫn các chủ nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chấp hành tiêm vắc xin đầy đủ; thường xuyên theo dõi đàn gia súc nếu có các triệu chứng dịch bệnh phải báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y để kiểm tra, xử lý.
Các địa phương giám sát chặt chẽ việc xuất nhập đàn vật nuôi, phải có đầy đủ các thủ tục kiểm dịch mới được đưa vào địa bàn tiêu thụ. Công tác vệ sinh chuồng trại và tăng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi đủ sức chống lại nắng nóng, DTLCP được cán bộ thú y huyện hướng dẫn đến tận các hộ chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại triển khai các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh…
Trạm Thú y huyện Quảng Điền đã triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh vụ xuân tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mục tiêu của huyện là ngăn chặn không để xảy ra các loại dịch bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, bởi nếu để xảy ra các loại dịch bệnh này thì nguy cơ bị DTLCP rất cao. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều