Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên số lượng lao động thất nghiệp trên địa bàn huyện tăng cao, nhất là hiện nay nhiều lao động từ các tỉnh trở về địa phương ngày càng nhiều. Theo khảo sát sơ bộ của Phòng Lao động Thương Binh và Xã hội huyện, hiện có khoảng 9.200 lao động thất nghiệp, không có việc làm, trong khi đó việc tổ chức các lớp đào tạo khó thực hiện do lo ngại dịch bệnh.
Điển hình trong năm 2020, toàn huyện chỉ có 25 lao động được xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 11,% kế hoạch. Việc tạo việc làm mới cho lao động cũng rất khó khăn, số lao động có việc làm mới trong năm 2020 khoảng 1.300 lao động, so với kế hoạch đạt 89,7%, trong năm 2021 còn khó khăn hơn. Công tác đào tạo nghề ngắn ngày cho lao động nông thôn đạt thấp, đến nay chỉ đào tạo được 2 lớp, với tổng số là 47 lao động.
Lao động thất nghiệp lớn, trong khi đó, nguồn vốn giải quyết việc làm do Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho vay qua các kênh hội đoàn thể khá khiêm tốn, các kênh khác cũng đang gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến giải quyết việc làm. Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, dư nợ của chương trình cho vay này là 29,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 580 lao động. Hiện, nguồn vốn mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân. Để được vay từ chương trình phải xét theo thứ tự ưu tiên cũng như đánh giá tính hiệu quả trong nguồn vay.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thông tin, hiện nay trên địa bàn có hơn 5.000 lao động từ các tỉnh về địa phương. Lao động trở về từ vùng dịch đa phần không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), không có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên lớn và đa phần sẽ gặp khó khăn trong đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề.
Với mục tiêu năm 2021 sẽ giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động, trong đó: tạo việc làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của huyện cho trên 1.000 lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 150 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; đưa 150 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để thực hiện được mục tiêu trên, Quảng Điền đang tăng cường các giải pháp trong thu hút đầu tư, hỗ trợ công tác đào tạo nghề, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, vốn tín dụng chính sách… nhằm giải quyết việc làm cho lao động.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong định hướng của huyện sẽ chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và giảm lao động ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Theo đó, tỷ lệ lao động trong ngành du lịch, dịch vụ chiếm 28,84%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 31,43% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 39,72%. Hiện, các xã trên địa bàn phối hợp các ngành liên quan tập trung công tác khôi phục và phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp tại nhiều địa phương hiện nay.
Huyện đang tập trung hỗ trợ các DN dệt may trong tiếp cận với nguồn lao động tại địa phương, như: đang đẩy mạnh hỗ trợ SCAVI trong đầu tư nhà máy may tại khu công nghiệp Bắc An Gia. Dự kiến vào cuối năm 2021, nhà máy sẽ chính thức khởi công xây dựng và sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2022, giải quyết việc làm cho 8.400 lao động. Đây là cơ hội rất lớn để giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối các DN khác nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho lao động, liên kết với các đơn vị triển khai chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên cho mục tiêu giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động...
Bài, ảnh: Hoàng Anh