ClockThứ Tư, 18/09/2019 14:22

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

TTH - Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp (SXNN) theo chuỗi giá trị (CGT) tại các địa phương do Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai bước đầu hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp

Chăn nuôi theo chuỗi giá trị giúp hộ ông Ngô Phước Toàn có thu nhập ổn định

Năm 2018, HND tỉnh phối hợp với xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) triển khai mô hình SXNN theo CGT cho các hội viên chăn nuôi gà. Bước đầu, chương trình hỗ trợ cho 3 hộ dân nuôi gà hữu cơ theo hình thức này.

Đầu năm 2019, tiếp tục có thêm 7 hộ đăng ký tham gia. Trong quá trình phối hợp chăn nuôi, phía HND xã Thủy Phù hỗ trợ bà con thành lập tổ hợp tác, bước đầu chăn nuôi thành công, mang lại thu nhập khá cho các hội viên nông dân.

Điển hình trong việc chăn nuôi theo mô hình CGT là gia đình ông Ngô Phước Toàn (thôn 2, xã Thủy Phù). Ông Toàn gắn bó với nghề chăn nuôi mấy chục năm nay, nhưng kể từ khi chuyển sang mô hình CGT, thì mới thấy hiệu quả rõ rệt. Gia đình ông hiện có tổng cộng một trại gà hữu cơ với 600 con, đàn lợn gần 40 con, 6 con bò và gần 100 m2 diện tích đất nuôi giun quế.

Lấy chất thải của bò nuôi giun quế, giun quế để nuôi gà và sắp tới ông tiếp tục tận dụng chất thải của gà, dùng làm phân để trồng bưởi da xanh.

“Chăn nuôi theo mô hình CGT rất có lợi cho người nông dân. Hầu như tận dụng được hết tất cả phụ phẩm nông nghiệp, không vứt bỏ cái gì. Ngoài bò, lợn, gà, giun quế và bưởi da xanh thì gia đình tôi cũng có gần 2 ha ruộng nước. Tất cả số lúa thu hoạch được đều dành làm thức ăn cho gà. Tuy nhiên, tính toán về năng suất, giá cả so với thức ăn chăn nuôi ngoài thị trường với giá lúa thô đem bán thì chúng tôi vẫn có lợi hơn. Trong khi, trại gà lại đạt chất lượng theo mô hình chăn nuôi hữu cơ, vừa bán được giá lại luôn có đầu ra”, ông Toàn tính toán.

Ông Trần Như Thảo (thôn 1B, xã Thủy Phù) cũng là hội viên nông dân thành công với mô hình chăn nuôi theo CGT. Hiện ông có đàn bò với số lượng 13 con, một trại gà 300 con, lợn và gần 50m2 diện tích đất nuôi giun quế.

“Do mới triển khai nên mô hình của chúng tôi vẫn còn quy mô nhỏ, bình quân mỗi năm thu nhập từ 120-150 triệu đồng. Lãi không nhiều nhưng bù lại cho thu nhập ổn định, tránh được các rủi ro trong chăn nuôi. Đặc biệt không có hộ nào thua lỗ”, ông Trần Như Thảo cho hay.

Ông Châu Văn Hồng, Chủ tịch HND xã Thủy Phù cho biết: “Với một mô hình khép kín theo CGT, tận dụng được tất cả phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, nên tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập. Không những thế, do là chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản phẩm đạt chất lượng. Các hộ dân không những hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi mà còn đứng ra vận động tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho chính mình”.

Theo HND tỉnh, SXNN theo CGT là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong CGT chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết tại Thủy Phù đã mở đường cho SXNN hàng hoá bền vững mà HND tỉnh đang tích cực triển khai, góp phần nâng cao CGT nông sản. Cái lợi rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân sản xuất tập trung hơn nên thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Người nông dân tham gia mô hình liên kết được yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Hình thức chăn nuôi này tận dụng được nguồn lực lao động gia đình, đất đai, thức ăn, nhất là phụ phẩm nông nghiệp; không cần nhiều vốn, không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ quản lý và tạo nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình.

Ông Phan Văn Xuân, Phó Chủ tịch HND tỉnh khẳng định: “Việc tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân, các tổ hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất truyền thống trước đây. Tuỳ từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng tăng 20-25%. Mô hình này HND tỉnh chỉ mới thí điểm hỗ trợ triển khai, nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt”.

Theo HND tỉnh, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo CGT với nhiều hình thức. Đây được xem là bước đi phù hợp, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.

Để nhân rộng hình thức sản xuất theo CGT, vừa qua, HND tỉnh phối hợp với Trung ương HND Việt Nam tổ chức lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo CGT thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019. Lớp tập huấn thu hút hơn 100 thành viên, là cán bộ các cấp hội cơ sở và các hội viên nông dân tiêu biểu của 4 đơn vị Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà và Quảng Điền.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top