Đồng ruộng kém hiệu quả ở Quảng Thọ chuyển sang trồng đậu bắp mang lại giá trị 200 triệu đồng/ha/năm
Quy mô nông hộ
Sau hơn 3 năm triển khai chủ trương TCCNN, sản xuất nông nghiệp của xã Quảng Lợi chưa có sự chuyển biến rõ nét. Nông dân vẫn theo phương thức sản xuất cũ với các giống lúa, cây trồng truyền thống, chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Các diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả chưa được chuyển đổi sang các mô hình phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp TCCNN nhưng phần lớn người dân vẫn còn nặng tập quán sản xuất truyền thống, chậm thay đổi tư duy tiếp cận các mô hình sản xuất mới, ứng dụng KHKT tiên tiến. Điều đó khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất. Các mô hình sản xuất lúa, hoa màu vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, quy mô nông hộ nên chưa thể tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự đánh giá, những tồn tại của Quảng Lợi cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương trong tiến trình TCCNN của huyện. Việc ứng dụng KHKT tiên tiến cũng như công nghệ sinh học vào sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến còn chậm.
Trên địa bàn huyện mới chỉ hình thành một số ít mô hình theo “chuỗi giá trị”: liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như rau má, nghệ... Các mô hình trồng mía, rau màu, lúa, thủy sản... tuy năng suất, chất lượng khá cao nhưng vẫn khó đầu ra, giá cả không ổn định. Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn tuy đã hình thành với diện tích gần 616 ha nhưng mới chỉ liên kết theo “chuỗi giá trị” với diện tích 160 ha.
Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận vào gieo cấy hằng năm đạt thấp, chừng 80% so với kế hoạch gần 100%. Tại vùng cát nội đồng thuộc các xã Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thái có 70 trang trại, trong đó hơn một nửa sản xuất hiệu quả cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhiều mô hình kinh tế vườn như trồng hoa, hành, ném... tại một số địa phương chưa được quan tâm đầu tư, cải tạo nên hiệu quả thấp.
Hướng đến sản xuất theo chuỗi
Tại xã Quảng Lợi và một số địa phương đã chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu bắp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi ha cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục khảo sát các vùng đất phù hợp để nhân rộng diện tích cây đậu bắp tại nhiều địa phương khác; đồng thời tổ chức phát triển sản xuất hướng nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, VietGAP gắn với nhu cầu thị trường.
Quảng Điền đang triển khai các chủ trương, chính sách, cơ chế khuyến khích, cấp đất, xây dựng hạ tầng nhằm kêu gọi, thu hút các DN, các thành phần kinh tế, cá nhân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp có lợi thế, công nghệ cao, chế biến và tiêu thụ nông sản ổn định; huy động các nguồn kinh phí để hỗ trợ các nhóm hộ cá thể, tổ hợp tác, xem xét, nghiên cứu hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với các hộ có điều kiện, tâm huyết đầu tư phát triển sản xuất tập trung.
|
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Văn Quang thông tin, mô hình trồng nghệ được một số địa phương như xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Phú trồng thử nghiệm thành công. Huyện đã đầu tư xây dựng nhà máy tiêu thụ, chế biến tinh bột nghệ, đồng thời khảo sát các vùng có tiềm năng để nhân rộng mô hình trồng nghệ trên địa bàn huyện.
Các địa phương tiếp tục đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng theo hướng cánh đồng lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm với diện tích 1.000 - 1.200 ha/năm, tập trung ở các xã Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, thị trấn Sịa, Quảng Vinh, Quảng Phú. Các địa phương này còn được khảo sát, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây đa canh, trồng sen, nuôi trồng thủy sản để tăng hiệu quả canh tác.
Mô hình trồng rau má Quảng Thọ tiếp tục được nhân rộng, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm các loại trà, cao rau má đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại xã Quảng Thái đang khảo sát, mở rộng diện tích mô hình trồng mướp đắng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo “chuỗi giá trị” thông qua sự kết nối giữa HTX với các DN.
Mới đây, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương chuyển đổi một số diện tích trồng lúa vùng trũng, năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản với diện tích 14,95 ha (Quảng Lợi 2,25 ha, Quảng Phước 2,5 ha, Quảng Công 10,2 ha) bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Các đối tượng thủy sản được nhân rộng như chình, chẽm, hồng mỹ, dìa, nâu... Các mô hình chăn nuôi lợn, gà ri, ngan, lợn thả vườn... an toàn sinh học theo “chuỗi giá trị” đang được nhân rộng tại vùng rú cát.
Bài, ảnh: HẢI TRIỀU