Nhờ nắm bắt thị trường, sản phẩm chất lượng, thổ cẩm tại Hợp tác xã Thổ cẩm xanh Azakooh bán rất "chạy"
Nắm bắt thị trường
Tâm điểm là Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm xanh Azakooh. Trải qua 7 năm hoạt động, từ 15 thành viên, đến nay đơn vị có hơn 130 thành viên, là hội viên nông dân đến từ các xã A Đớt, A Roàng, Hồng Kim, Hồng Bắc và thị trấn A Lưới.
Một buổi lao động trên nương rẫy, buổi còn lại tranh thủ dệt zèng, không những giúp các chị có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bà Mai Thị Hợp, Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh Azakooh chia sẻ: “Giai đoạn dịch bệnh khó khăn đã qua, hiện tại các sản phẩm bán khá “chạy” nên đã có thu nhập hơn trước. Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, trung bình mỗi tháng các chị có thêm trên dưới 2 triệu đồng tiền công. Chị em còn kết hợp quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo,... để tự tìm thêm đầu ra cho các sản phẩm của mình”.
Ông Hồ Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội nông dân (HND) huyện A Lưới cho rằng, ấn tượng nhất với các sản phẩm dệt zèng của HTX là sự đổi mới và đa dạng mẫu mã, cho thấy sự nhanh nhạy, nắm bắt xu thế thị trường của các hội viên nông dân. Bà con đã rất tinh tế khi kết hợp giữa vải thổ cẩm truyền thống với các chất liệu hiện đại như vải nỉ, lụa,... rất thẩm mỹ và tiện ích. Đặc biệt, kết hợp dệt cườm lên vải thổ cẩm tạo điểm nhấn rất đẹp. Những sản phẩm như vậy thường có giá thành cao hơn, tăng thêm thu nhập cho bà con.
Trong số những nông dân tiêu biểu trên địa bàn, có rất nhiều nông dân trẻ, khởi nghiệp với những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ gia đình anh Hồ Văn Lưu (TDP 1, thị trấn A Lưới). Anh Lưu là tấm gương điển hình NDSXKDG với mô hình nuôi gà thương phẩm 400 con, nuôi bò thịt 17 con và đàn lợn 12 con. Sau khi trừ các chi phí, anh thu lãi từ các mô hình gần 120 triệu đồng mỗi năm. Riêng với mô hình nuôi gà thương phẩm, mỗi năm anh Lưu thả nuôi 3 lứa, mỗi lứa hơn 400 con, cho lãi ròng 20 triệu đồng. “Trừ năm đầu tiên gà chết nhiều, mình thua lỗ. Còn lại năm nào cũng có lãi khá. Tất cả là nhờ các lớp tập huấn kỹ thuật nên của HND các cấp”, anh Lưu chia sẻ.
Nông dân là chủ thể
Ông Hồ Văn Liên, Phó Chủ tịch HND A Lưới đánh giá, là địa bàn vùng sâu vùng xa nên công tác đào tạo nghề cho lao động rất được các cấp hội chú trọng. Năm 2022 đã mở được 8 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi với 285 người tham dự; tổ chức được 2 lớp nghề ngắn hạn với 60 học viên tham gia học và được cấp giấy chứng nhận.
Trên địa bàn đã có nhiều hộ vươn lên đạt danh hiệu gương nông dân điển hình lao động sản xuất với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Ngọc Tế ở thị trấn A Lưới với mô hình trồng hoa cảnh cho thu nhập 135 triệu đồng/năm; hộ ông Văn Đình Quế ở xã Sơn Thủy có thu nhập 400 triệu đồng/năm nhờ mô hình nuôi heo và bán thức ăn; hộ bà Hoàng Thị Khén ở xã A Ngo đạt 276 triệu đồng/năm nhờ mô hình làm chổi đót và trồng nấm…
Mặc dù ở vùng cao, điều kiện khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp hội lẫn chính quyền địa phương, nên hầu hết hội viên nông dân đều được tạo điều kiện về con giống, kỹ thuật, để phát triển sản xuất. Nhiều nông dân khác cũng đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, thức ăn và tích lũy kinh nghiệm từ các buổi tập huấn nên hầu như rất ít rủi ro.
Để người dân có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, ngay từ đầu năm HND huyện A Lưới đã có văn bản, chương trình phối hợp cụ thể với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp huyện. Đến nay số vốn tại Ngân hàng CSXH do cấp hội quản lý có 86 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 3.500 thành viên tham gia các chương trình, với tổng dư nợ trên 151 tỷ đồng.
HND huyện đã triển khai hướng dẫn thành lập được 18 mô hình tổ HND nghề nghiệp tại các xã, thị trấn và 1 câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi tại Sơn Thủy, là tiền đề cho việc thành lập các mô hình tổ hợp tác, HTX kinh tế theo chuỗi giá trị. Riêng với việc xây dựng thương hiệu thịt bò vàng A Lưới, HND huyện đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện và sở KHCN tỉnh và Công ty Innotec làm thủ tục xác lập quyền và đã được UBND tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh “A Lưới” cũng như xác nhận tờ bản đồ khu vực địa lý nhằm hoàn thiện hồ sơ theo quy định để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ về bò, thịt bò, đồng thời đã ủy quyền cho Công ty Innotec nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, hiện tại đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Ông Nguyễn Chí Quang, Chủ tịch HND tỉnh đánh giá, qua phong trào NDSXKDG, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hội viên đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hóa cộng đồng nông thôn. Các hội NDSXKD giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động, góp phần đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội và xây dựng nông thôn mới.
HND các cấp trên địa bàn huyện đã vận động hội viên, nông dân hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 3.000m2 đất, đóng góp 1.525 ngày công cùng với nhiều vật chất để làm mới và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn… Từ những kết quả trên cho thấy, sức bật và sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào ở một huyện miền núi vốn rất nhiều khó khăn.
Căn cứ theo hướng dẫn và quy định của Trung ương HND Việt Nam về tiêu chuẩn, tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, ngay từ đầu năm HND huyện A Lưới đã hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức vận động và đăng ký hộ NDSXKDG các cấp đúng quy định. Trong năm 2022, đã có 2.768 hộ nông dân đăng ký và có 1.379 đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp.
Bài ảnh: HÀ NGUYÊN