ClockThứ Năm, 26/11/2020 06:30

Tạo sinh kế cho những chu kỳ sau

TTH - 10 ngàn con gà giống được CLB CEO Huế trao tận tay các hộ dân thiệt hại nặng. Số gà nhận về được 100 hộ dân chăm sóc chu đáo, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn tết của gia đình, sau nữa là kiếm thêm ít “đồng ra đồng vô”, tạo sinh kế cho những chu kỳ sau, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vân - Hồ Xuân Phương nhẩm tính.

“Ngôi nhà chung” của các CEO Huế

Người dân Hương Vân chăm sóc cây thanh trà còn sống sau lũ

Huy động mọi nguồn lực

Theo ghi nhận tại các xã, phường trên địa bàn TX. Hương Trà chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, nông dân đang cần không chỉ giống rau màu, sắn, lúa chuẩn bị sản xuất vụ mới mà còn cần giống gia cầm, cây ăn quả đặc sản, hướng dẫn kỹ thuật… để ổn định sinh kế lâu dài.

Nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng như Hương Xuân, dù phường có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Trong đó, vùng Tây Xuân chủ yếu trồng cây lạc, sắn, ổi. Vùng Đông Xuân trồng lúa, rau màu.

Vụ mùa năm nay, do mưa lớn kéo dài khiến hầu hết diện tích trồng trọt đều trôi theo lũ. Chính quyền địa phương tranh thủ nước rút, kiểm tra hệ thống đê bao nội đồng, các điểm xung yếu để có kế hoạch tu sửa, gia cố kênh mương. Hai HTX Đông Xuân và Tây Xuân khẩn trương chuẩn bị các khâu dịch vụ, hợp đồng máy móc làm đất, thông báo cho bà con đăng ký giống để sẵn sàng vào vụ.

“Trước mắt, tận dụng đất “nhàn rỗi”, bà con gieo trồng một số loại rau màu để thu hoạch trước và tích cực tìm giống ổi để trồng trên diện tích bị thiệt hại. Riêng diện tích sắn (mất trắng 100%), khó tìm giống cho vụ tới. Các doanh nghiệp đã hỗ trợ Hương Xuân 3 tấn lúa giống, phường phân bổ về 2 HTX. Thị xã cấp 6kg hạt giống rau các loại. Chúng tôi đã thống kê, đề xuất thị xã hỗ trợ, HTX sẽ trích một phần kinh phí để giúp bà con”, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân-Trần Lưu Đức chia sẻ.

Tại phường Hương Vân, 150ha thanh trà chủ yếu ở Sơn Công 1, Lại Bằng 1, 2 bị lũ ngâm chết gần 100ha, rất may, số thanh trà còn sống đa phần là cây lâu năm. Để cứu diện tích cây đặc sản, bà con đang tập trung chăm sóc và tìm mua giống từ Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh về ươm nhưng nguồn cây rất ít. Phường đang tìm cách bảo tồn giống chuối tiêu bản địa bị hư hỏng, đổ ngã sau bão lũ. Đây là loại cây trồng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Hương Vân, sau thanh trà.

Sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Trà Trần Xuân Anh cho biết, đến nay, nước tại một số đồng ruộng ở các địa phương thấp trũng vẫn chưa rút hết nên chưa thể thống kê đầy đủ thiệt hại. Năm nay lũ lớn, ngoài dự đoán của người dân nên hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp đều ngâm lâu trong nước, thiệt hại hoàn toàn rất lớn.

Đến nay, UBND TX. Hương Trà tiếp nhận 82 tấn lúa giống, 200kg hạt giống rau các loại, 800kg hạt giống ngô từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cùng hàng ngàn con gia cầm của các tổ chức, doanh nghiệp. Tất cả nguồn hỗ trợ này, thị xã phân bổ về các địa phương để sẵn sàng khôi phục sản xuất nông nghiệp. Riêng quýt Hương Cần, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã đang có 500 cây giống, sắp tới sẽ cung cấp đủ cho người dân vùng trồng quýt ở Hương Toàn. Tất cả các xã, phường vào cuộc vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, đơn vị chung tay hỗ trợ người dân địa phương vượt qua khó khăn.

“Các nguồn giống khác có thể khó, nhưng bà con vẫn chủ động mua được ở trong và ngoài tỉnh. Nhưng giống thanh trà thì chịu. Vì chỉ có Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh cung cấp, nhưng muốn mua phải đặt hàng trước và giá tăng gấp đôi so với trước, lên 70 ngàn đồng/cây”, Trưởng phòng Kinh tế thị xã lo ngại.

Tại hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2020 ngày 19/11, Chủ tịch UBND TX. Hương Trà, ông Hà Văn Tuấn yêu cầu các địa phương, HTX rà soát, thống kê thiệt hại, hư hỏng của hệ thống hồ đập, kênh mương thuỷ lợi, đê bao nội đồng. Đồng thời, huy động Nhân dân chủ động sửa chữa, khắc phục để kịp thời vụ; từng bước khôi phục đàn gia súc gia cầm và khẩn trương phục hồi lại các vùng sản xuất rau màu, cây ăn quả, cây đặc sản.

“Do ngân sách tỉnh hạn chế nên thị xã chỉ chọn những công trình thiệt hại nặng, vượt kinh phí của địa phương để đề xuất tỉnh giúp đỡ khắc phục, sửa chữa. Chúng tôi đang huy động, kêu gọi một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ giống cây con cho bà con”, ông Tuấn nói.

Theo Chủ tịch UBND thị xã, đây cũng là cơ hội để các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nghiên cứu các mô hình sản xuất sản phẩm sạch, theo hướng VietGAP, có thương hiệu; đẩy mạnh phát triển cây ăn quả ở vùng gò đồi phía tây.

“Như sắn chẳng hạn, hiệu quả kinh tế thấp nhất; tranh thủ lúc này, có thể mạnh dạn chuyển những diện tích trồng sắn sang trồng tràm, dược liệu - những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao”, ông Tuấn gợi ý.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top