Người dân A Lưới chống rét cho bò trong đợt lạnh cuối năm 2020
Theo đó, đối với các địa phương đang có dịch bệnh động vật (cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi,...) tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài. Trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch bệnh theo quy định. Ngoài ra, khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin bao vây ổ dịch và phòng bệnh cho toàn bộ đàn gia cầm có nguy cơ; thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch để chỉ đạo tổ chức chống dịch.
Riêng với các địa phương chưa có dịch hoặc có nguy cơ cao cần tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh.
Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính, áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch. Rà soát, kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi…; nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.
Tin, ảnh: N. MINH