ClockChủ Nhật, 06/10/2024 08:14

Phòng tránh những nguy hiểm về sức khỏe khi chạy bộ

TTH - Chạy bộ từ lâu được biết đến là một trong những loại hình thể thao đơn giản, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chạy bộ còn mang lại nhiều lợi ích về tinh thần và phòng, chống được nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý gì khi chạy bộ, đặc biệt là khi tham gia các cuộc thi chạy bộ đường dài?

Những bước chạy đến trái tim

 PGS.TS. Bác sĩ Hoàng Anh Tiến

Xung quanh câu chuyện về chạy bộ và những lưu ý để chạy bộ mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Bác sĩ Hoàng Anh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế.

Thưa ông, chạy bộ có những lợi ích tuyệt vời thế nào đối với sức khỏe?

Chạy bộ được xem là một trong những hoạt động thể dục tốt nhất cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Khi chạy bộ, nhịp tim tăng lên, giúp cải thiện khả năng bơm máu của cơ tim, từ đó tăng cường lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể. Hoạt động này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim và đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy, chạy bộ làm giảm khoảng 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, đặc biệt là ở những người tập luyện đều đặn.

Ngoài ra, chạy bộ giúp tăng cường chức năng của hệ tuần hoàn, làm giảm nồng độ cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL), và cải thiện độ nhạy insulin, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Về mặt tâm lý, chạy bộ kích thích sản xuất endorphins - hormone giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, trầm cảm, tăng cường sự tập trung và giấc ngủ.

Chạy bộ rõ ràng là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên cần lưu ý gì khi chạy bộ, đặc biệt là khi tham gia những cuộc thi chạy đường dài đòi hỏi phải có sức bền và sự chuẩn bị rất kỹ về sức khỏe?

Khi tham gia các hoạt động đòi hỏi sức bền cao như marathon, cơ thể phải đối mặt với nhiều áp lực về mặt sinh lý. Các vận động viên cần lưu ý kiểm tra sức khỏe định kỳ, chương trình luyện tập; bổ sung nước và chất điện giải phù hợp, theo dõi cơ thể.

 PGS.TS. Bác sĩ Hoàng Anh Tiến đang kiểm tra sức khỏe tim mạch cho bệnh nhân

Mỗi một cuộc thi chạy đều đòi hỏi sức bền, đặc biệt là đối với những người trên 35 tuổi. Do vậy, người chạy cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, bao gồm siêu âm tim, đo điện tâm đồ, và thử nghiệm gắng sức để loại trừ nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như bệnh mạch vành hoặc loạn nhịp tim.

Về chương trình tập luyện, vận động viên cần thực hiện kế hoạch tập luyện có kiểm soát với sự gia tăng dần về cường độ và thời lượng. Tập luyện quá nhanh và quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về cơ xương khớp và tăng nguy cơ gặp phải biến cố tim mạch.

Bổ sung nước và chất điện giải: Trong quá trình chạy bộ, cơ thể mất nước và các chất điện giải (như natri, kali, magiê), dẫn đến mất cân bằng điện giải. Vận động viên cần bổ sung nước và chất điện giải kịp thời để duy trì hoạt động ổn định của cơ thể. Các triệu chứng như đau ngực, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi cực độ là dấu hiệu nguy hiểm có thể cảnh báo nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim. Khi có các dấu hiệu này, vận động viên cần dừng ngay hoạt động và tìm sự hỗ trợ y tế.

Bác sĩ có thể cho biết một số trường hợp đã xảy ra những rủi ro không mong muốn khi tham gia các cuộc thi chạy bộ, marathon không? Đâu là nguyên nhân của những biến cố về sức khỏe này đối với các vận động viên?

Một số trường hợp không may mắn đã gặp phải biến cố sức khỏe nghiêm trọng khi tham gia các cuộc thi chạy bộ, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột tử do loạn nhịp, hoặc suy tim cấp. Một số nguyên nhân chính dẫn đến những biến cố này là: Thứ nhất, bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Các vận động viên có thể không nhận thức được mình đang mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, phì đại cơ tim hoặc loạn nhịp tim. Khi cơ thể phải chịu áp lực lớn trong một thời gian dài, những vấn đề này có thể bộc lộ và gây ra biến chứng nghiêm trọng. Thứ hai, quá sức chịu đựng của cơ thể. Không ít trường hợp vận động viên gặp vấn đề khi họ đẩy cơ thể vượt quá ngưỡng chịu đựng mà không có sự chuẩn bị đủ tốt về sức khỏe và thể lực. Thứ ba, mất cân bằng điện giải: Đặc biệt trong các cuộc thi marathon, vận động viên mất nước và điện giải quá mức mà không bổ sung kịp thời có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim mạch và thậm chí là loạn nhịp tim. Thứ tư là, ảnh hưởng của môi trường. Nhiệt độ môi trường quá cao hoặc quá thấp đều có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt, hạ thân nhiệt và các vấn đề tim mạch liên quan.

Ông có lời khuyên gì đối với những người chỉ chạy bộ nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe, và những vận động viên muốn tham gia những giải marathon?

Đối với người người chạy bộ nhẹ nhàng, chạy bộ để cải thiện sức khỏe nên bắt đầu từ từ với cường độ và khoảng cách nhỏ, sau đó tăng dần theo khả năng. Quan trọng nhất là duy trì một chế độ tập luyện đều đặn, tránh tập luyện quá sức và chú ý đến các tín hiệu của cơ thể để ngăn ngừa chấn thương hoặc biến cố tim mạch.

Đối với vận động viên marathon, cần có kế hoạch tập luyện khoa học và tuân thủ nghiêm ngặt. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là các xét nghiệm về tim mạch là điều cần thiết. Hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cảm thấy có dấu hiệu mệt mỏi quá mức, chóng mặt, hoặc đau ngực. Việc bổ sung nước, chất điện giải đầy đủ và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể trong quá trình chạy là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh chạy bộ, theo bác sĩ cần làm gì để có một sức khỏe tốt và một trái tim khỏe mạnh?

Ngoài chạy bộ, để có một trái tim khỏe mạnh, cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất xơ, hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, đường và muối. Một chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây và các nguồn protein từ cá, hạt và đậu nành sẽ giúp cải thiện chức năng tim mạch. Đồng thời, việc giảm thiểu stress, duy trì giấc ngủ đủ và điều độ, không hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ rượu bia là những yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ hữu ích này!

Ngọc Hà (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỘI TIM MẠCH TOÀN QUỐC LẦN THỨ 19:
“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”

Diễn ra trong các ngày từ 13 đến 15/12, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 có chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới” do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, mà còn là cơ hội cập nhật các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp mới nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân.

“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

TIN MỚI

Return to top