|
Hạ tầng A Lưới khang trang |
Cuộc sống mới
Ông Đinh Văn Thọ ở xã Sơn Thủy tự hào: A Lưới bây giờ đã khác xưa nhiều lắm! Vùng núi hoang sơ một thời giờ đây đã phủ kín rừng keo tràm, cao su và cây ăn quả. Những vùng đất khô cằn, bạc màu cũng được người dân cải tạo trồng ngô, khoai, sắn, rau màu, cây trái bốn mùa xanh tốt. Nhiều hộ mạnh dạn chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ cao. Mới đây, một số DN như Tập đoàn Quế Lâm… đã phối hợp với người dân chăn nuôi bò hữu cơ bước đầu 100 con. Nhiều mô hình trồng rau, chuối… hữu cơ cũng đã hình thành trên vùng đất khó.
Đời sống của người dân tuy chưa hẳn đã sung túc nhưng thật sự đi vào ổn định và có cơ hội khá, giàu nhờ trồng rừng keo, cao su, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Một bộ phận người dân còn nghèo đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp đỡ, xây nhà mới, sửa nhà ở, hướng dẫn cách làm ăn, trồng trọt chăn nuôi. Với những gì mà Đảng bộ, chính quyền A Lưới đang làm, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm nay sẽ giảm theo kế hoạch và đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo hoàn toàn trở thành hiện thực.
|
Đường sá nông thôn mới được bê tông sạch đẹp |
Tại xã Sơn Thủy, qua rà soát hộ nghèo hiện nay toàn xã có 74 hộ với 214 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 8,61%, giảm 71 hộ với 247 khẩu so với năm trước; hộ cận nghèo hiện nay 161 hộ với 531 khẩu, chiếm tỷ lệ 18,74%, giảm 137 hộ với 629 khẩu so với năm 2022. Sơn Thủy đang xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2022- 2025, theo đó, hộ nghèo giảm xuống còn 1,79% vào cuối năm 2025.
Xã A Ngo sau ba năm triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững (GNBV), với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nông dân thực sự thay đổi toàn diện. Kinh tế, xã hội trên địa bàn A Ngo phát triển ổn định, nhận thức của người dân được nâng lên. Người người, nhà nhà có ý thức hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo và tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng nỗ lực của mình, hạn chế ý thức trông chờ, ỷ lại.
Chủ tịch UBND xã A Ngo, ông Nguyễn Đức thông tin, đến cuối năm 2022, toàn xã A Ngo giảm 40 hộ nghèo, vượt 10 hộ so với chỉ tiêu huyện giao và giảm 64 hộ cận nghèo. Đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,27 triệu đồng/năm. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống ổn định và vươn lên khá, giàu. Hiện nay, toàn xã còn 80 hộ nghèo, chiếm 8,32%, trong đó có 22 hộ nghèo không có khả năng lao động thuộc đối tượng cần bảo trợ xã hội. Theo kế hoạch, phấn đấu cuối năm 2023 giảm 50 hộ nghèo, số hộ nghèo còn lại 30 hộ, tỷ lệ 3,1% và đến năm 2025 giảm còn 22 hộ nghèo, tỷ lệ 2,2%.
Để đạt mục tiêu này, quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, các ban, ngành, đoàn thể A Ngo có sự phối hợp đồng bộ, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Chương trình đào tạo nghề cho lao động gắn với giải quyết việc làm nông thôn, kết hợp tập trung chăm lo gia đình chính sách, người có công và bảo vệ trẻ em, phụ nữ nghèo.
Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, ông Lê Văn Nghiếu khẳng định, đưa địa phương thoát nghèo là điều kiện bắt buộc trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương. Trung Sơn trước đây có đến 623 hộ nghèo theo chuẩn mới, đến cuối năm 2022 đã giảm hơn 135 hộ nghèo. Cấp ủy, chính quyền xã Trung Sơn đang tập trung xác định nguyên nhân, nhu cầu của từng hộ nghèo, từ đó phân công từng cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ thoát nghèo cho từng hộ dân. Cũng từ cách làm này, số hộ nghèo ở thôn A Deeng - Par Lieng 1 giảm 23 hộ vào cuối năm 2022.
Phấn đấu hộ nghèo còn dưới 25% vào cuối năm 2023
Ông Lê Anh Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho hay, mấy năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền, phối hợp có hiệu quả của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn mới thực sự khởi sắc. Đường sá được bê tông, thảm nhựa phục vụ đi lại thuận tiện hơn. Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, từng bước hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cải thiện, nông thôn ngày một đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của Sơn Thủy đạt 41,46 triệu đồng/năm.
Nói về cách giảm nghèo của Sơn Thủy, ông Lê Anh Chiến chia sẻ, trên cơ sở rà soát hộ nghèo, cận nghèo, Đảng ủy xã Sơn Thủy thành lập ban chỉ đạo GNBV do Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, các Phó Bí thư Thường trực và Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã làm phó ban để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo tại địa phương. Đảng ủy còn thành lập tổ giúp việc cho ban chỉ đạo GNBV, ban hành quy chế hoạt động GNBV và thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Sơn Thủy tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo ngay từ đầu năm. Từ đó, huy động có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, hỗ trợ các chỉ tiêu “thiếu hụt”. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghèo để họ phát huy tính tự lực, tự cường, không còn trông chờ, ỷ lại.
Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, ông Lê Văn Nghiếu cho biết: Cùng với lực lượng già làng, trưởng bản, cấp ủy, chính quyền địa phương, xã Trung Sơn tăng cường cán bộ, đảng viên về cơ sở, cùng với đội ngũ cốt cán của xã và thôn vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững. Tùy thuộc vào điều kiện của từng hộ nghèo, cận nghèo, ban chỉ đạo GNBV xã Trung Sơn tìm mọi cách tháo gỡ để đạt tiêu chí giảm nghèo. Trong số nhiều giải pháp được lồng nghép, đồng bộ, địa phương lấy những mô hình điểm, gương điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã để các hộ nghèo học tập và làm theo.
Bí thư Huyện ủy A Lưới, ông Huỳnh Công Quảng thông tin, huyện tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. A Lưới xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Từ đó, phân công cấp ủy phụ trách trên từng lĩnh vực, địa bàn, giám sát việc thực hiện chương trình GNBV do chính quyền thực hiện.
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền cấp xã phải đăng ký phấn đấu mục tiêu giảm nghèo; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí bình xét thi đua đối với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, trưởng các phòng ban, thành viên ban chỉ đạo; các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên từ huyện đến xã giúp đỡ các thôn, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
|
Qua rà soát cuối năm 2021, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%. Năm 2022, công tác giảm nghèo bước đầu đạt những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra. Số hộ nghèo toàn huyện còn lại cuối năm 2022 là 5.399 hộ, chiếm 38,2%; số hộ cận nghèo 2.078 hộ, chiếm 14,70%. Trong số 2.300 ngôi nhà tạm của hộ nghèo, cận nghèo phải hỗ trợ xây mới, sửa chữa trong giai đoạn 2022-2025, dự tính đến cuối năm 2023 có khoảng gần 950 nhà được xây dựng. Phấn đấu cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,91%, còn 12% hộ cận nghèo và đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo.
|
(còn nữa)
Kỳ 3: Quyết không tái nghèo