ClockThứ Hai, 06/11/2023 06:17

Thoát nghèo lên... phố - Kỳ 1: “Cánh tay nối dài”

TTH - Từ 52,9% hộ nghèo và cận nghèo, năm 2023, Đảng bộ tỉnh và huyện A Lưới phấn đấu giảm còn 24,91% hộ nghèo và còn 12% hộ cận nghèo, bằng mọi cách tạo kỳ tích, đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo để cùng cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổ chức các phiên chợ vùng cao gắn với sản phẩm OCOPKhởi công 2 “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên huyện A LướiTìm hướng thoát nghèo bền vững cho vùng cao

Gần 180 già làng, trưởng bản, tộc trưởng ở huyện A Lưới, trong đó có nhiều người uy tín được xem là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong tiến trình đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo.

 
 Nông sản hữu cơ, an toàn A Lưới

Chuyển đổi tư duy, ổn định cuộc sống

Già làng Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa Cô ở xã Trung Sơn luôn là “cánh chim đầu đàn” giữa đại ngàn A Lưới, dù ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Từ thời trai trẻ, già Hạnh đã trăn trở trước cảnh nghèo đói cứ đeo bám đồng bào Pa Cô mình. Không cam chịu phận nghèo, già khăn gói đi khắp nơi học tập cách làm ăn, sinh sống để về giúp bà con mình. Từ “cách làm ăn mới” do già Hạnh truyền đạt, cộng với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án (DA) quốc gia, của tỉnh nhưng cảnh nghèo vẫn đeo đẳng.

Già Hạnh bảo, mấu chốt của sự nghèo nằm ở chỗ tư duy nhận thức của người dân còn thấp. Nhiều chương trình, DA, tổ chức tặng cây, con giống nhưng bà con không biết cách chăn nuôi, trồng trọt. Tiền được hỗ trợ, cho vay lại không biết cách sử dụng vào mục đích làm ăn hợp lý. Cứ thế, sự nghèo đói, túng thiếu đeo bám, người dân còn cách trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đến lúc, già Hạnh nhận ra rằng, không một sự hỗ trợ nào bằng chính tự nỗ lực, tự cường của chính bản thân bà con. Sự hỗ trợ là cần thiết, nhưng phải xem nó chỉ là “cần câu”, chỗ dựa cho dân làm ăn, sinh sống. Mấu chốt để người dân thoát nghèo không hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ mà chính là sự thay đổi tư duy, nhận thức, tự lực tự cường trong sản xuất, phát triển kinh tế của người dân.

Cứ sau một ngày trên nương rẫy, khi ánh đèn lấp lánh dưới những căn nhà ven sườn núi cũng là lúc già Hạnh bắt đầu công việc “truyền giáo” của mình. Già đến từng nhà, bằng mọi cách làm cho dân mình xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Già vừa bày cách chăn nuôi, trồng trọt bằng lời nói, kết hợp tổ chức cho người dân tham quan, học tập thực tế mô hình của mình thì dân mới tin. Già Hạnh tổ chức cho bà con đến tham quan mô hình chăn nuôi, trồng trọt của người Kinh trên địa bàn A Lưới.

Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, người dân Pa Cô cũng dần ý thức, thay đổi tư duy, tập tục lạc hậu, biết cách làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt, biết cách chi tiêu. Khi nhận thức của người dân có chuyển biến, già vận động Nhân dân mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất bằng phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng nhằm ổn định cuộc sống gia đình.

Từ một hộ Pa Cô luôn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, nay vợ chồng Hồ Văn Bảy, Hồ Thị Chớ ở thôn A Niêng - Lê Triêng 1, xã Trung Sơn đã “lột xác” hoàn toàn. Từ một cặp dê, một cặp bò ban đầu được cha mẹ cho khi ra ở riêng, vợ chồng Bảy vay thêm ngân hàng mở rộng quy mô đàn bò, dê. Giờ đây, vợ chồng anh có cả một trang trại bò, dê hàng chục con. Trang trại của Bảy còn trồng cả ngàn gốc chuối, xen nghệ và các loại rau màu khác. Mỗi năm, gia đình Bảy lãi trên dưới 60 triệu đồng, hoàn toàn từ công sức của mình.

Bà Hồ Thị Nga ở cùng thôn xởi lởi: “Cuộc sống đổi thay hôm nay phải kể đến công lao rất lớn của già Hạnh. Già chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, các tổ chức với Nhân dân khi gặp khó khăn. Thông qua già Hạnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế gia đình. Đàn bò sinh sản đến nay 4 con, kết hợp trồng rừng, lập vườn, gia đình có cuộc sống ổn định”.

Trồng chuối, mô hình thoát nghèo bền vững 

Dòng họ không có hộ nghèo

Tộc trưởng họ Văn ở xã Sơn Thủy, ông Văn Đình Thọ chia sẻ, ngày mới lên tái định cư ở vùng đất Sơn Thủy, người dân gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Đường sá đi lại chỉ là những lối mòn chằng chịt lau sậy, đất đá trơn trượt. Đời sống của người dân ban đầu chủ yếu dựa vào rừng, chăn nuôi, trồng trọt thiếu bài bản, chưa biết áp dụng KHKT tiên tiến.

Từ khi phát động phong trào “Dòng họ không có hộ nghèo”, ông Thọ phân công hộ có điều kiện phụ trách, giúp đỡ hộ khó khăn cùng vươn lên. Các hộ có điều kiện kinh tế vừa giúp đỡ kinh phí, kết hợp hỗ trợ KHKT, cách làm ăn trên vùng núi A Lưới. Từ đó, số hộ nghèo từng bước đẩy lùi và đến nay họ Văn trên địa bàn xã Sơn Thủy chỉ còn duy nhất một hộ nghèo do già cả neo đơn.

Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, ông Lê Anh Chiến thông tin, vừa qua, huyện phê duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa 10 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn với kinh phí hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/hộ, sửa chữa 30 triệu đồng/hộ. Bà con được người dân, họ tộc hỗ trợ về ngày công xây dựng. Chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay 50 triệu đồng để làm nhà và sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình làm nhà, hộ nào chưa có điều kiện về kinh phí thì địa phương làm việc với đơn vị kinh doanh vật liệu cho bà con mua nợ, sau khi huyện giải ngân vốn thì người dân sẽ trả.

 Nuôi bò vàng A Lưới

Cấp ủy, chính quyền địa phương Sơn Thủy luôn tạo môi trường cho bà con làm ăn, kinh doanh dịch vụ, nông nghiệp, kết hợp tranh thủ làm các việc khác trong thời gian nông nhàn. Thuận lợi lớn là ý thức chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế của người dân ngày càng cao nên đời sống khá ổn định. Tư tưởng trông chờ ỷ lại giờ đây rất hạn chế, chỉ còn một bộ phận nhỏ. Còn lại chủ yếu tự lực tự cường, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước nên tự vươn lên trong cuộc sống. Sau khi hỗ trợ xây nhà ở, đời sống ổn định, nhiều hộ tự nguyện xin thoát nghèo.

Có được cuộc sống như hôm nay, Đảng ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tại địa phương tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, gắn với công tác giảm nghèo bền vững (GNBV). Tất cả các thôn đều tổ chức thực hiện phong trào này. Các hộ nghèo không có khả năng lao động và hộ nghèo có công với cách mạng được hỗ trợ kịp thời.

Thông qua phong trào đã phát hiện và nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, từ đó nhân rộng tại địa phương. Năm 2023, có 6 dòng họ đăng ký “Dòng họ hiếu học”; chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn, hỗ trợ vay vốn để nhân rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ở Sơn Thủy và A Lưới được phát động đã thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, già làng, trưởng thôn gương mẫu, nòng cốt đi đầu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Phong trào này còn thể hiện truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong dòng họ, làng, bản. Từ đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực của các dòng họ, làng, bản chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các gia đình trong các dòng họ, làng, bản nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định: GNBV ở A Lưới trở thành mục tiêu lớn của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện A Lưới để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là phong trào “Dòng họ, bản, làng không có hộ nghèo” nhằm khơi dậy tính vươn lên thoát nghèo của bà con và tinh thần trách nhiệm của các dòng họ, bản, làng đối với hộ nghèo. Và quan điểm là hộ nghèo mà có sức lao động thì phải thoát nghèo; hộ nghèo do hoàn cảnh cần sự chăm sóc, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể. Phương châm giảm nghèo theo địa chỉ cụ thể, mỗi hộ nghèo đều phải có phương án thoát nghèo và các cấp, ban ngành hỗ trợ tạo việc làm, xóa nhà tạm cho người dân…

(còn nữa)

Kỳ 2: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Bài, ảnh: Hoàng Triều - Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt

Chiều 30/9, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo với chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”.

Phấn đấu trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt
Năm điều Bác Hồ dạy: Mãi là chuẩn phấn đấu của học sinh

Ngày đầu tiên bước vào Trường tiểu học Vĩnh Ninh, thành phố Huế, cháu tôi về kể với cả nhà, hôm nay con được cô giáo cho học “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”. Và khoe, lớp con có treo ảnh Bác và 5 điều Bác dạy đó. Hôm sau thì, con được học bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”. Đây quả là một việc làm đầy trách nhiệm và thật ý nghĩa của thầy, cô giáo và nhà trường, tạo ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về Bác Hồ, về mục tiêu rèn luyện, phấn đấu cho các em trong một thời điểm quan trọng, bắt đầu bước vào con đường tiếp thu tri thức, lớn khôn.

Năm điều Bác Hồ dạy Mãi là chuẩn phấn đấu của học sinh
Thủ tướng: Phấn đấu kết quả năm 2024 cao hơn, toàn diện hơn năm 2023

Sáng 5/8, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực để đạt kết quả phát triển kinh tế -xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023.

Thủ tướng Phấn đấu kết quả năm 2024 cao hơn, toàn diện hơn năm 2023
Return to top