Sáng 4/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế Bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các tỉnh tại các đầu cầu.
Thủ tướng chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch bệnh tại địa phương mình quản lý. Với việc một số địa phương cử Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tham dự hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, đây không phải là việc đơn thuần là của Chi cục Thú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà từng địa phương “xắn tay áo” kịp thời mới hiệu quả được.
Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND Thành phố, tỉnh trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch bệnh tại địa phương mình quản lý
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi lợn nước ta và thế giới. Lịch sử dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ năm 1921 tại châu Phi. Loại dịch này lan truyền nhanh bằng nhiều hình thức và làm tỷ lệ lợn chết rất cao, nên khi xảy ra dịch thì tổn thất rất lớn.
Trong khi virus dịch tả lan truyền và tồn tại ở môi trường rất lâu thì hiện nay thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng ngừa. Từ năm 2017 đến cuối tháng 2 vừa rồi, thế giới đã có 20 nước nhiễm dịch tả lợn châu Phi, trong đó Trung Quốc có 28/33 tỉnh xuất hiện dịch, phải tiêu hủy tới 1 triệu con lợn.
Với nước ta, chăn nuôi lợn chiếm vị trí rất quan trọng. Năm ngoái, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,8 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại. Hiện có trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn theo quy mô nhỏ lẻ, chiếm 49% tổng đàn lợn.
Ổ dịch đầu tiên là tại Hưng Yên, tiếp đó là Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương và đến nay có 33 xã thuộc 14 huyện và 7 tỉnh xuất hiện ổ dịch, đã tiêu hủy 4.231 con. Gần dịp Tết năm ngoái, do giá lợn tăng nên có những nơi xuất hiện dịch nhưng người dân không khai báo để tiêu hủy. Đây cũng là một nguyên nhân khiến dịch lây lan.
Ngày 20/2 vừa rồi, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 04 triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương đã chủ động, quyết liệt và kịp thời ngăn chặn dịch. Thủ tướng nhấn mạnh từ “kịp thời” và chỉ đạo các ngành, địa phương, các Chủ tịch phải “xắn tay áo” với các biện pháp cụ thể, chứ không phải chỉ là văn bản chỉ đạo: “Tôi tới đây vì tôi thấy sự cấp bách, để các đồng chí xắn tay áo vào, ngăn chặn dịch tốt và kịp thời hơn. Chính vì vậy tôi ban hành Chỉ thị số 04 (20/2/2019) nêu rõ một số biện pháp trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành trong việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi”.
Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh có hiệu quả. Chủ tịch UBND Thành phố, tỉnh trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch bệnh tại địa phương mình quản lý, chứ không phải hôm nay một vài địa phương cử Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tham dự hội nghị đâu. Đây không phải là việc đơn thuần là của Chi cục Thú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà từng địa phương ra tay mới hiệu quả được.
Nhấn mạnh đặc điểm chăn nuôi lợn của Việt Nam có đến 2,5 triệu hộ chăn nuôi và thịt lợn chiếm 70% sản lượng thịt trong nước, nếu không ngăn chặn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ chăn nuôi, Thủ tướng chỉ đạo: “Một khẩu hiệu đặt ra là “chống dịch như chống giặc” để chúng ta huy động các cấp, ngành, xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào 7 tỉnh nước ta. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lan rộng. Trung Quốc với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, họ đã thành công, 90% đã giải dịch. Đây là bài học kinh nghiệm cho nước ta, vì có 30 (theo quy định tại Quyết định số 4527 của Bộ Nông nghiệp) ngày không phát sinh ổ dịch mới thì chúng ta đã giải dịch rồi. Các địa phương có muốn làm điều đó không? Một câu hỏi tôi đặt ra như vậy”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan truyền thông phải làm tốt công tác thông tin, thuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cách phòng, chống bệnh, đặc biệt là không hoang mang, bán tháo lợn. Cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Toàn cảnh hội nghị
“Bộ Thông tin và Truyền thông phải tuyên truyền mạnh mẽ vấn đề này. Một là không quá lo lắng về dịch bệnh này, thứ hai là không quay lưng với thịt lợn đang sạch, tốt ở phần lớn các địa phương hiện nay. Không thể vì dịch mà ngừng chăn nuôi. Nếu chúng ta hủy đàn lợn không có dịch thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất rất lớn. Cả nước chỉ có 202 hộ, 4.321 con lợn bị tiêu hủy thôi, có phải nhiều đâu. Chỉ 7 tỉnh/63 tỉnh, thành cả nước bị, và mỗi tỉnh chỉ vài thông thôi. Nhưng trách nhiệm trước quốc tế, quốc dân đồng bào chúng ta công bố dịch. Nếu tuyên truyền không tốt chúng tay quay lưng lại với thịt lợn hiện nay thì thật là nguy hiểm”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cần có biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn đường dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp đủ hóa chất cho khử trùng tiêu độc, đề xuất kịp thời hơn các giải pháp cụ thể cho từng địa phương thay vì chỉ có giải pháp chung cho cả 63 tỉnh, thành.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đặt ra một số câu hỏi cho các bộ, ngành và địa phương, cũng là gợi ý cho để các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp phòng chống, ngăn chặn và giải dịch. Đó là tại sao dịch lại bùng phát, có nguy cơ lạn rộng cho dù chúng ta đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch; Có hiện tượng người chăn nuôi che dấu dịch bệnh không?
Quan tâm đến mức hộ trợ cho người dân có lợn bị dịch phải tiêu hủy cũng như chi phí cho công tác phòng chống dịch, Thủ tướng đặt vấn đề, quy định mức hỗ trợ và các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch đã phù hợp chưa và yêu cầu khẩn trương tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và hỗ trợ cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải hướng dẫn thanh toán hỗ trợ kịp thời cho các địa phương.
Trước diễn biến dịch như hiện nay, Thủ tướng đặt vấn đề, cách tổ chức triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng ở các cấp, các ngành đã phù hợp chưa, đã thực sự quyết liệt chưa? Các cấp, các ngành cần phải làm gì để củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống Thú y đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh chăn nuôi hàng hoá và hội nhập quốc tế?.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số phương pháp triển khai, trong đó có về kinh phí hỗ trợ phòng chống, ngăn chặn dịch nên giao cho các địa phương quyết định, tự chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Bộ Tài chính. Cùng với đó là nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tránh tình trạng tiêu hủy 5 con lợn nhưng khai 8 con, không có dịch nhưng báo cáo dịch. Cùng với đó là giám sát thực hiện để bảo tính chính sách, đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.
Theo VOV