ClockThứ Tư, 12/07/2017 08:27

Thủy điện xả nước “cứu” cá lồng sông Bồ

TTH - Lượng cá lồng nuôi bị chết trên sông Bồ ở các địa phương Hương Trà, Quảng Điền đã lên đến 16 tấn, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Nhà máy thủy điện Hương Điền đã tăng lưu lượng xả phát điện để cải thiện môi trường nuôi.

Tăng lưu lượng nước

Những ngày xuất hiện tình trạng cá lồng nuôi chết, khảo sát quanh khu vực sông Bồ đi qua các tổ dân phố (TDP) Thanh Lương 3 (Hương Xuân), Phước Yên, La Vân Hạ (Quảng Thọ), nước sông Bồ khu vực này chảy chậm, ứ đọng cùng với mật độ nuôi quá dày, môi trường ô nhiễm đã dẫn đến cá nuôi bị ngột, thiếu oxy chết hàng loạt. Theo ghi nhận, khoảng 2km qua địa bàn các thôn trên, lồng nuôi được bố trí dày đặc, cản trở dòng chảy, nước không lưu thông được.

Để giải quyết tình trạng trên, chính quyền địa phương đã đề xuất Nhà máy thủy điện Hương Điền tăng cường lưu lượng xả phát điện để cải thiện môi trường. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong những ngày qua, do điều kiện nắng nóng nên lưu lượng về và mực nước trên sông Bồ giảm mạnh, làm ảnh hưởng sản xuất, đời sống người dân và xuất hiện tình trạng cá lồng nuôi trên sông Bồ bị chết. Trước tình trạng trên, đơn vị đã có văn bản đề nghị Nhà máy thủy điện Hương Điền làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để tăng lưu lượng phát điện qua các tổ máy nhằm cải thiện dòng chảy trên sông Bồ.

Theo đó, thời gian tăng lưu lượng qua các tổ máy bắt đầu từ 7 giờ ngày 11/7 với lưu lượng từ 40-50m3/s. UBND thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền chỉ đạo các địa phương thông báo cho Nhân dân, tranh thủ nguồn nước tăng cường từ hồ Hương Điền kết hợp với hướng dẫn kỹ thuật xử lý môi trường lồng nuôi. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đề nghị Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác Công trình cùng các địa phương theo dõi diễn biến của dòng chảy trên sông, vận hành các công trình thủy lợi, các cống trên đê, điều hòa dòng chảy, cải thiện môi trường nước trên sông Bồ.

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy thủy điện Hương Điền thông tin, theo quy trình vận hành đã được Chính phủ phê duyệt, thời điểm hiện tại nhà máy thủy điện chỉ vận hành xả với lưu lượng qua tổ máy phát điện khoảng 20m3/s. “Tuy nhiên, trên tinh thần chia sẻ khó khăn hiện tại của người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ, từ sáng 11/7, nhà máy đã tăng lưu lượng xả phát điện để cải thiện môi trường nước sông Bồ lên 45-50m3/s và sẽ dần tăng lên 60m3/s. Giải pháp trước mắt là tăng lưu lượng nước. Còn về lâu dài, chính quyền địa phương cần bố trí quy hoạch mật độ hợp lý lượng lồng cá nuôi trên sông Bồ và thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường nước khu vực nuôi”, ông Khoa khẳng định.

Sắp xếp lại lồng nuôi

Có một thực trạng tại các vùng nuôi cá lồng trên sông Bồ là mật độ nuôi quá dày (cả số lượng cá và khoảng cách lồng nuôi), không tuân thủ quy định của các cơ quan chuyên môn. Không phải người dân không ý thức được điều đó nhưng vì cái lợi trước mắt mà nhiều hộ dân đành “nhắm mắt làm liều”. Đến nay, vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi cá trên sông Bồ đang được đặt ra.

Ông Ngô Quang Thảo, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 tấn cá lồng (gần 2.000 con) của 69 hộ dân trên địa bàn phường bị chết, gây thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. “Hiện tại địa phương đang tranh thủ việc xả nước của nhà máy thủy điện Hương Điền, vận động bà con tăng cường sục khí, bán tỉa dặm một số cá nhằm giảm mật độ và huy động lượng nước từ hói Bảy Xã nhằm tăng cường dòng chảy trên sông Bồ, cải thiện môi trường”, ông Thảo khẳng định.

Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho hay, đến nay các cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân cá chết trên sông Bồ là bị ngột, thiếu oxy do mật độ nuôi quá dày, môi trường nước bị ô nhiễm. Do vậy, sắp đến phòng sẽ làm việc với các địa phương để thống nhất diện tích, quy mô số lồng nuôi.

“Từ chiều 10/7, thị xã đã làm việc và đề nghị phía thủy điện tăng cường lưu lượng xả để cải thiện môi trường nước sông Bồ. Hiện tại, phòng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi cá lồng sông Bồ, thực hiện một số giải pháp kỹ thuật như tăng cường thức ăn công nghiệp nhằm tăng sức đề kháng cho cá nuôi, treo túi vôi ở các góc lồng và vận động bà con dùng các biện pháp thủ công máy sục khí kể cả những lồng nuôi bình thường, không có dấu hiệu cá bị ngột”, ông Anh cho biết thêm.

Tại xã Quảng Thọ, theo thống kê mới nhất, đến thời điểm hiện tại đã có gần 6 tấn (khoảng 1.300 con) cá lồng nuôi trên sông Bồ bị chết, gây thiệt hại gần 400 triệu đồng. Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, hiện tại, ngoài các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi cá lồng trên sông Bồ, sắp đến phòng sẽ làm việc với các địa phương để có sự sắp xếp, bố trí lại lồng nuôi cá trên sông Bồ cho hợp lý và tuân thủ hướng dẫn trong Quyết định số 60  năm 2016 của UBND tỉnh.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi cá lồng tránh lũ

Từ kinh nghiệm nuôi cá lồng nhiều năm và hướng dẫn từ ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, người dân ở Phú Lộc đã áp dụng các giải pháp để nuôi cá lồng giảm được rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Nuôi cá lồng tránh lũ
Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Thơm trong một gói xôi đường

Cụ Hồ Văn Tá, Đội trưởng Đội Thượng thiện năm xưa có cháu nội là bà Hồ Thị Hoàng Anh nay là một nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng. Bà từng giới thiệu nhiều món ngon trên các trang sách ẩm thực, trong đó có món xôi đường.

Thơm trong một gói xôi đường

TIN MỚI

Return to top