Trương Thị Ngọc Thúy, trưởng nhóm kể, cơ duyên là từ lần tham dự chương trình ĐH không giảng đường của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (1/2016). Kết thúc chương trình, cả 6 thành viên đều nghĩ đến rau hữu cơ – mô hình phù hợp với chuyên ngành học.
Ngọc Thúy ra vườn cùng người trồng rau Kim Long
Ban đầu, nhóm hình thành hai ý tưởng là nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông qua phương thức thực nghiệm, tập trung vào hai mảng xen canh kết hợp cây trồng và quản lý cỏ dại, giúp nông dân áp dụng hiệu quả thuốc thảo mộc vào quá trình làm nông nghiệp. Sau nhiều lần bàn bạc, họ thống nhất chọn phương án kết hợp hai ý tưởng.
Nhóm vận động thêm 5 sinh viên trong trường tham gia với vai trò tình nguyện viên. Ban đầu, họ thử nghiệm xuống giống độc canh nhưng thất bại, trong khi đó mô hình xen canh trồng nhiều loại lại thành công. Nhóm nghiên cứu kết hợp các loại cây có tính chất dẫn dụ côn trùng để trồng chung. Mỗi luống rau trồng chung 2-3 loại, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng cũng giúp giảm trừ sâu bệnh. Nhiều lần thử nghiệm hiệu quả, nhóm chia sẻ, giúp các hộ dân trồng rau hữu cơ ở Kim Long. Bên cạnh đó, họ nghiên cứu trồng rau theo vụ, đa dạng nhiều loại rau và xen canh kết hợp tầng tán (cây ưa sáng và ưa bóng, rễ nông và rễ sâu). Từ những thành công ban đầu, mô hình thu hút thêm sáu hộ trồng rau tham gia với hiệu quả cải thiện qua từng ngày. “Chuyển đổi từ cách trồng truyền thống sang trồng rau hữu cơ, thu hoạch chậm, rau dễ bị sâu do không phun hóa chất bảo vệ thực vật nên rất lo, có khi muốn bỏ cuộc nhưng các cháu sinh viên động viên, giúp đỡ, bây giờ thì tui đã có niềm tin rồi”, bác Trần Hữu Thìn, một hộ trồng rau ở Kim Long nói.
Quá trình đưa mô hình thử nghiệm ra thực tiễn của nhóm sinh viên gặp không ít khó khăn. Do trở ngại về thời tiết, thổ nhưỡng nên một số lần thử nghiệm không thành, các thành viên phải chạy ngược chạy xuôi, nghiên cứu tài liệu trên mạng internet và nhờ giảng viên giàu kinh nghiệm giúp đỡ. Sau giờ học, họ lại tập trung ở vườn rau thử nghiệm hoặc vườn rau của nông dân để kiểm tra tình hình và động viên nông dân tự tin trong cách trồng rau không hóa chất độc hại.
Trần Thị Ngọc, thành viên của nhóm tâm sự, lên lớp nghe nhiều kiến thức nhưng lý thuyết khuôn mẫu không áp dụng được trong một số trường hợp thực tiễn. Việc thực nghiệm mô hình trồng rau hữu cơ, xen canh cây trồng, sử dụng thuốc thảo mộc,… là cơ hội để học tập.
Quá trình triển khai mô hình, họ cũng học được kinh nghiệm bán hàng, cách sơ chế, bó rau đẹp, quảng bá rau sạch. Cũng từ rau sạch, nhóm có ý tưởng kết hợp với sinh viên kiến trúc để tạo tiểu cảnh cho vườn rau như những nông trại vừa trồng rau vừa làm du lịch. Hiện tại, họ đang nghiên cứu để chuẩn bị các tour du lịch trải nghiệm, kết nối thiên nhiên dành cho học sinh tiểu học. Thúy tin tưởng, mô hình của nhóm sẽ thành công. Trong bối cảnh thị trường lao động khó khăn, những vườn rau như thế cũng sẽ góp phần giúp sinh viên nông lâm, du lịch và kiến trúc cùng có việc làm.
Lê Hữu Phúc