Ngày 13/10, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc xác nhận, chính quyền đang phối hợp với ngành chức năng lấy mẫu nước, mẫu cá chết tại khu vực đầm Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô), để tìm hiểu nguyên nhân cá trên đầm bị chết rải rác trong những ngày qua.
Khu vực trên đầm Lăng Cô, nơi xảy ra hiện tượng cá chết trong đầu tháng 10/2017
Theo đó, hiện tượng cá chết rải rác tại khu vực đầm Lăng Cô xuất hiện từ đầu tháng 10 và đến hiện có dấu hiệu ngày một nhiều hơn. Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, từ đầu tháng 10, người dân có số lồng nuôi cá ven đầm Lăng Cô phản ánh tình trạng cá nổi lờ đờ, chết rải rác trong các lồng nuôi. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã báo cáo với phòng TN&MT huyện để có phương án xử lý.
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở NN&PTNT), Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh (Sở TN&MT) đã có buổi kiểm tra hiện tượng cá chết và lấy mẫu nước, mẫu cá tại khu vực này xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Theo ông Trung, hiện tượng cá chết năm nào ở đầm Lăng Cô cũng xảy ra, nguyên nhân thường do lượng mưa lớn, nước từ các suối, thác chảy xuống làm nước trong đầm “ngọt hóa”, dẫn đến cá bị thiếu oxy và chết.
Liên quan vấn đề người dân phản ánh, cá chết là do đường công vụ, ông Trung nhấn mạnh, đơn vị thi công đã phối hợp với UBND thị trấn kiểm tra. Sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu nguyên nhân cá chết là do thi công đường gây ra sẽ tiến hành đền bù cho người dân.
Theo Ban quản lý Dự án hầm Hải Vân, đường công vụ phục vụ thi công cầu Hải Vân, đã thay đổi thiết kế, đảm bảo lưu thông nguồn nước
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thông tin, nguyên nhân cá chết đang được các cơ quan tiến hành kiểm tra, UBND huyện cũng đang chờ kết quả để có bước xử lý tiếp theo.
“Người dân phản ánh do đường công vụ xây cầu Hải Vân (thuộc Dự án Hầm đường bộ Hải Vân-PV), đang triển khai thi công làm ách tắc nguồn nước dẫn đến cá chết. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nguyên nhân ban đầu có thể do thời gian qua, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lượng mưa lớn từ thượng nguồn làm nước trên đầm phá “ngọt hóa” làm cho cá bị thay đổi môi trường nước đột ngột, thiếu oxy dẫn đến cá chết”, ông Mạnh nghi vấn.
Ông Phan Văn Trọng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Phú Lộc cho biết, số lượng cá chết cụ thể đang được chính quyền địa phương thống kê. Qua kiểm tra ban đầu, có khoảng 250 lồng nuôi có cá chết của gần 50 hộ dân, số cá chết chỉ rải rác các lồng, không tập trung với mật độ lớn.
Đường công vụ phục vụ thi công cầu Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Hải Vân
Ông Phạm Đình Thụy, Chuyên viên của Ban quản lý Dự án hầm Hải Vân cho hay, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, phía chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tìm hiểu nguyên nhân. Ông Thụy cho biết thêm, từ cuối tháng 6/2017, trước sự phản ánh của người dân về việc đường công vụ phía nam thi công làm ngăn dòng nước lưu thông từ đầm Lăng Cô ra biển, gây sạt lở, ô nhiễm nguồn nước, được sự đồng ý của Bộ GTVT, phía Ban Quản lý dự án đã thay đổi thiết kế đường công vụ từ chiều dài 230m xuống còn 180m; cao độ mặt đường 2m xuống còn 1m. Khi thay đổi thiết kế cho phù hợp, UBND tỉnh cùng ngành chức năng đã kiểm tra và đánh giá cao. Ngoài ra, phía đơn vị cũng cho lắp thêm cống, cầu tạm làm thông mặt nước trên đầm phá.
“Thời điểm diễn ra hiện tượng cá chết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chúng tôi cho dừng thi công toàn bộ công trình. Hiện tại, chỉ cần mưa nhỏ là nước tràn qua đường công vụ, đảm bảo nước lưu thông trong khu vực nên cho rằng cá lồng nuôi của người dân chết do thi công tuyến đường này là thiếu cơ sở”, ông Thụy khẳng định.
Bài, ảnh: Hà Nguyên- Đức Quang