ClockChủ Nhật, 26/09/2021 16:04

Tránh thiếu hụt nguyên liệu khi giá tăng cao

TTH - Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các giá trị đầu vào đang tăng cao. Để giải được bài toán này, người chăn nuôi phải chủ động được nguồn nguyên liệu. Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh.

Phát triển chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệpTạo đà cho hướng chăn nuôi lợn bền vữngChăn nuôi lợn tập trung kết hợp trồng trọt theo hướng hữu cơBảo vệ gia súc, gia cầm mùa nắng nóng

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Nguyễn Văn Hưng

Thưa ông, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế. Vậy, riêng ngành chăn nuôi mức độ tác động như thế nào?

Hiện, tình hình sản xuất chăn nuôi trong tỉnh cơ bản đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế, một số cơ sở chăn nuôi trong vùng có bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 hoặc có các ca F1, F2 cũng có phần ảnh hưởng khi xuất, nhập gia súc, gia cầm. Chúng tôi đã hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở như, đăng ký khai báo kiểm dịch xuất trình qua trực tuyến (zalo) và cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch,...

Doanh nghiệp và trang trại lớn, trang trại vừa tái nuôi khoảng 80.000 con theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo tính bền vững, chiếm khoảng 60% số tái đàn. UBND tỉnh đã phê duyệt một số đề án tái đàn lợn cấp huyện nhằm khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi.

Cán cân cung cầu đang có độ vênh lớn, nghĩa là giá thức ăn, nguyên liệu, phục vụ chăn nuôi xu hướng tăng cao trong khi giá đầu ra lại thấp? Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Theo ước tính trong chăn nuôi, thức ăn chiếm từ 65-70% giá thành. Thời gian gần đây, giá thức ăn công nghiệp tăng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng bởi nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và con-ten-nơ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, biến đổi khí hậu làm mất mùa, bất lợi ở một số nước xuất khẩu lớn; một số nước chuyển hướng đầu tư nông sản và Trung Quốc tăng thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm cho giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng.

Ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nhập khẩu (chiếm khoảng 80%-85%), giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2020 nên ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh kiểm tra một số mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn

Bên cạnh những khó khăn về giá thức ăn chăn nuôi, giá lợn giống vẫn còn ở mức cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2019. Những yếu tố này đã làm tăng chi phí đầu vào trong chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng 100% thức ăn công nghiệp và cơ sở không tự cung ứng được con giống, phải nhập mua từ nơi khác.

Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất bởi phải mua thức ăn công nghiệp qua các đại lý cấp 2, cấp 3; cao hơn so với đại lý cấp 1. Trong khi đó, hầu hết các trang trại lớn đều ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn nên ngoài việc hưởng mức giá sỉ ngang bằng với đại lý cấp 1, còn được hưởng phần trăm vào cuối năm, do đó ít bị ảnh hưởng. Tương tự, những trang trại chăn nuôi lớn tự cung cấp được con giống thì còn có lãi, những hộ chăn nuôi không tự chủ động, phải mua con giống thì có lãi chút ít, nếu rủi ro hao hụt trong quá trình nuôi thì thua lỗ.

Với những phân tích trên, nếu không tự chủ nguồn thức ăn, con giống sẽ rất khó khăn. Vậy, việc tự chủ này tại Thừa Thiên Huế đang như thế nào?

Các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn (chủ yếu là lợn) có liên kết với Công ty CP, Mavin,... thì bảo đảm có lãi vì các công ty chủ động được việc cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi,... cho trại và thu mua sản phẩm khi xuất chuồng.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường sử dụng thức ăn tận dụng, phụ phẩm sẵn có (như cám, chuối, rau, khoai, sắn,...) tại địa phương và có sử dụng một ít thức ăn công nghiệp có ảnh hưởng một phần. Các cơ sở chăn nuôi lợn trang trại quy mô nhỏ sử dụng phần lớn thức ăn công nghiệp thì ít tự chủ về thức ăn, mức độ khó khăn cao hơn.

Giải ngay bài toán về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để có thể tiết giảm chi phí và hạ giá thành được xem là giải pháp, song mức độ khả thi để áp dụng vào thực tế hiện không cao, ông có nghĩ như vậy?

Đúng vậy, song để có thể tiết giảm chi phí và hạ giá thành đòi hỏi các cơ sở chăn nuôi phải có vốn, đất đai và kỹ thuật để sản xuất, chế biến và dự trữ thức ăn. Các hộ chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa cơ bản lại thiếu các điều kiện đó. Cần phải xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín từ con giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ liên kết theo chuỗi giá trị,... để nhân rộng trong thời gian trung hạn, dài hạn mới có tính khả thi khi áp dụng vào thực tế.

Ông có cho rằng chúng ta đủ tiềm năng nguyên liệu sản xuất thức ăn? Tỉnh có chủ trương, chiến lược nào cho vấn đề này không, thưa ông?

Hiện, dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm trong tỉnh tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Chăn nuôi cơ bản đang phát triển. Tổng đàn trâu có 16.033 con, tổng đàn bò có 29.615 con (đàn trâu, bò giảm nhẹ so với cùng kỳ); tổng đàn lợn có 148.255 con (tăng 29,7%); tổng đàn gia cầm có 4.385,3 nghìn con (tăng 13,4%; trong đó tổng đàn gà có 3.428 nghìn con, tăng 13,6%). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 16.196 tấn (tăng 35,6% so cùng kỳ). Sản lượng trứng đạt khoảng 14,24 triệu quả (tăng 0,2% so cùng kỳ)…

Việc phát triển vùng nguyên liệu để chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài là chủ trương vĩ mô, mang tính toàn quốc. Tại Thừa Thiên Huế hiện chưa có doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Các doanh nghiệp chưa muốn đặt nhà máy tại tỉnh ta, do vậy khó phát triển các vùng nguyên liệu cung cấp để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt một số Đề án Tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025; trong đó có nêu giải pháp tận dụng tiềm năng về sản xuất thức ăn chăn nuôi là: Ngoài thức ăn hỗn hợp do các doanh nghiệp khác cung ứng, các hộ chăn nuôi tổ chức trồng cây nguyên liệu (ngô, đỗ tương, lúa, rau khoai theo hướng hữu cơ) để cho ăn bổ sung, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các địa phương xây dựng các vùng trồng cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi hữu cơ, tạo thành chuỗi gắn kết giữa trồng trọt và chăn nuôi trong phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, giải pháp sẽ là như thế nào để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đặc biệt là trong thời điểm sống chung với COVID-19?

Để khắc phục những khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao. Kết hợp với việc dự trữ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong địa phương như khô hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo, rau, cỏ... Đồng thời, cần tập trung làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, trong đó nguồn con giống nhập về nuôi phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế tối đa rủi ro, hao hụt trong quá trình chăn nuôi. Ngoài ra, về trung hạn cần nghiên cứu từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Xin cảm ơn ông!

LÊ THỌ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi
Giá xăng dầu tăng cao trở lại

Chiều 10/9, Liên bộ Công thương- Tài chính có đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 7 ngày/lần. Trên cơ sở điều chỉnh đó, bắt đầu từ 15h trở đi, giá xăng dầu đã tăng cao; riêng xăng RON 95 lên mức hơn 21.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng cao trở lại

TIN MỚI

Return to top