Xu hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học và liên kết sẽ được khuyến khích phát triển
Bấp bênh
Giá lợn hơi bây giờ khoảng 60-65 nghìn đồng/kg, song câu chuyện tái đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường đang ở thời điểm khó khăn. Vì sao? Đó là bởi tình trạng khan hiếm nguồn lợn giống cùng với các giá trị đầu vào quá cao khiến nông dân không mặn mà.
Hãy bỏ qua các trang trại quy mô công nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp lớn mà nhìn vào quy trình chăn nuôi nông hộ, gia trại, bởi đây là mô hình tồn tại phổ biến ở nhiều địa phương. Giá thức ăn tăng hơn 30%, nông dân xoay xở bằng cách tận dụng các loại nguồn thức ăn hữu cơ. Nhưng việc tận dụng này chỉ phù hợp với chăn nuôi vài ba con lợn, cỡ quy mô chừng 20 – 50 con chắc chắc phương án này sẽ khó đáp ứng.
Bà Trương Thị Lệ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) bảo, với đàn lợn 30 con mỗi ngày phải tiêu tốn một lượng lớn thức ăn công nghiệp bên cạnh rau, củ quả và các loại thức ăn hữu cơ sẵn có. Khi bà xuất chuồng lứa lợn, dẫu giá lợn hơi 60 nghìn đồng/kg nhưng sau hạch toán, lời lãi chẳng là bao. “Nếu mức giá đó ở thời điểm bình thường sẽ có lãi, nhưng lúc này, giá thức ăn quá cao thì chỉ lấy công làm lãi”, bà Lệ bày tỏ.
Với nông dân, dù khó khăn thế nào họ cũng tự xoay xở, song ở mức độ như thế nào mà thôi. Dịch bệnh trên lợn hoành hành mấy năm nay, bây giờ dịch COVID-19 khiến việc lưu thông hàng hóa không như bình thường. Khó càng thêm khó! Chăn nuôi lợn đang trong lúc đầu ra bấp bênh, đặc biệt là với mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, nông hộ.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn vẫn tiêu thụ tốt nội tỉnh. Còn câu chuyện đầu tư, tái đàn vẫn còn nhiều trở ngại. “Giá con giống và vật tư nông nghiệp xu hướng tăng là lý do chính dẫn đến việc tái đàn khó khăn. Nhiều hộ nuôi lưỡng lự tái đầu tư, thậm chí qua nhiều đợt dịch bệnh, chi phí tái đầu tư của nông dân dường như đã cạn kiệt”, ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền nói.
Chuồng trại bỏ hoang, người nuôi “chuyển nghề” hoặc chuyển đối tượng chăn nuôi đang là thực trạng chung tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Dù nông dân rất vất vả từ khi mua giống, đến khâu chăm sóc, xuất bán nhưng giá trị họ nhận lại không cân xứng. Cũng sản phẩm thịt lợn đó, nông dân bán 60 nghìn đồng/kg, thời điểm chạm đáy chỉ 30-35 nghìn đồng/kg (giá lợn hơi), nhưng khi lên các sạp hàng bày bán ở chợ, giá từ 120-150 nghìn đồng/kg (tùy loại), rất ít khi giảm giá sâu. Đó là nghịch lý! Lãnh đạo huyện Phong Điền cho rằng, việc tái đàn hiện nay khó khăn có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Giảm nhỏ lẻ, tăng tập trung
Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ từ 1.800 - 2.000 con lợn, từ 36 lò mổ, trong đó lợn địa phương đáp ứng hơn 70%, số còn lại được các đơn vị mua từ các tỉnh phía Nam. Điều đó có nghĩa, chính sản phẩm của người nuôi tại các địa phương đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu thị trường nội tỉnh hiện nay. Cán cân giá trị từ chuồng nuôi đến tay người tiêu dùng có độ vênh lớn được nhiều thương lái giải thích, khi thu mua phải qua các khâu trung gian với nhiều chi phí, như vận chuyển, giết mổ… chỉ cần mỗi khâu vài chục ngàn đồng thì mức giá đến tay người tiêu dùng sẽ cao.
Thực tế, không chỉ thịt lợn mà hầu như nhiều sản phẩm khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, và thiệt thòi luôn là chủ nuôi và người tiêu dùng. Đặc biệt, thịt lợn không phải là loại hàng hóa mà Nhà nước quản lý, điều chỉnh giá, sự tăng giảm phụ thuộc vào thị trường, nhất là thương lái.
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, không chỉ bây giờ mà những năm gần đây, dù nhu cầu thịt lợn trên thị trường luôn thường trực nhưng ít xuất hiện trường hợp thiếu nguồn cung. Điều này càng chứng tỏ, thương lái đang thao túng thị trường.
Trước thực trạng đó, tỉnh đã có kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh giai đoạn 2020-2025. Trong đó, việc tổ chức lại sản xuất là yếu tố then chốt, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm dần chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại; thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị… Nguyên tắc và điều kiện tái đàn lợn phải đảm bảo an toàn sinh học.
“Để giải quyết về vấn đề ổn định đầu ra, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện, mở rộng các mô hình chăn nuôi lợn liên kết với các doanh nghiệp lớn, như Tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam,… theo hướng chủ cơ sở đầu tư đất đai, chuồng trại, hạ tầng… Các doanh nghiệp cung cấp con giống, trang thiết bị, khoa học công nghê chăn nuôi, thức ăn, thú y, đặc biệt là bao tiêu thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để giúp người nuôi ổn định được lợi nhuận”, TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho hay.
Toàn tỉnh có khoảng 100.000 hộ chăn nuôi, trong đó, khoảng 22.000 hộ chăn nuôi lợn với số lượng chiếm từ 70-75% tổng đàn. Ngoài các doanh nghiệp lớn, chăn nuôi nông hộ thường theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư. Do đó, gặp khó khăn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, dịch vụ hỗ trợ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời dễ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Bài, ảnh: Lê Thọ