ClockThứ Ba, 29/10/2019 14:30

Trồng rừng chống biến đổi khí hậu

TTH - Vành đai rừng ngập mặn được đầu tư, mở rộng không chỉ giúp ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn biến phức tạp mà còn tạo sinh kế cho nhiều người dân.

Mở rộng và phát huy hiệu quả của rừng trồng ngập mặnTrồng 10.000 cây rừng ngập mặn hưởng ứng "Chủ nhật xanh"Du lịch sinh thái từ rừng ngập mặn Quảng Lợi

Rừng ngập mặn được trồng xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền)

Lợi đôi đường

Tại khu vực đầm phá thuộc thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), những vùng nuôi trồng thủy sản được bao bọc bằng cây xanh.

Vành đai rừng ngập mặn bao bọc vùng nuôi thủy sản như lá chắn vững chắc bảo vệ cá tôm của ngư dân trong mùa gió bão. Nhiều người còn trồng rừng ngay trong khu vực nuôi để tạo nơi cư ngụ tự nhiên cho cá, tôm.

“Nuôi trồng thủy sản trên đầm phá là sinh kế chủ yếu của đa số người dân ở đây. Trước đây, chỉ cần một trận lũ, tôm, cá có thể bị  cuốn theo dòng nước. Khi được Nhà nước hỗ trợ trồng rừng ngập mặn, tôi liền tham gia trồng xung quanh khu vực nuôi cá. Bây giờ rừng đã phát triển tốt, bao bọc, bảo vệ; ngoài ra còn tạo nên nguồn lợi thủy sản”, ông Nguyễn Văn Nhất (thôn Ngư Mỹ Thạnh) chia sẻ.

Tại Quảng Lợi, ngoài những vùng được “quy hoạch” trồng rừng ngập mặn để bảo tồn hệ sinh thái còn có những khu vực trồng phân tán của người dân. Điều này không chỉ tạo ra những khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản mà còn giúp mặt nước phá Tam Giang như khoác lên màu áo mới, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: Toàn địa phương đã trồng được hơn 45ha rừng ngập mặn, chủ yếu cà cây bần. Đến nay, diện tích rừng đang phát triển tốt gắn với việc tạo ra sinh kế cho người dân. Điểm nhấn về du lịch sinh thái cộng đồng tạo diện mạo mới cho Quảng Lợi.

Xã Hương Phong (TX.Hương Trà) được du khách biết đến với rừng ngập mặn Rú Chá. Đây là địa phương ven phá chịu tác động mạnh của BĐKH. Ngoài bảo tồn Rú Chá, chính quyền các cấp tập trung tạo khu vực trồng dừa nước, dự kiến mở rộng lên 300ha với mục tiêu tạo hệ sinh thái gắn liền phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

“Thông qua hỗ trợ của Nhà nước, hơn 19ha rừng ngập mặn được trồng tại địa phương. Điều này không chỉ bảo tồn hệ sinh thái mà góp phần quan trọng trong việc ứng phó với BĐKH đang diễn ra phức tạp. Nguồn lợi thủy sản đầm phá theo đó được bảo tồn phát triển. Với đặc thù của Hương Phong, trồng rừng ngập mặn có lợi nhiều phía”, ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho hay.

Mở rộng thêm 430ha

Những năm qua, nhiều cơn bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các địa phương vùng ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh. Những tuyến đê bao cho dù kiên cố cũng bị phá vỡ, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh kế của người dân.

Các chuyên gia cho rằng, trước sự đe dọa của BĐKH, bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn sẽ tạo ra những giá trị to lớn. Tại Thừa Thiên Huế, với hệ thống đầm phá Tam Giang rộng lớn, việc phát triển rừng ngập mặn càng thêm cấp thiết.

Năm 2015, dự án đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá được triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị xã ven biển, đầm phá với nguồn vốn đầu tư của Trung ương hơn 100 tỷ đồng. Đây là dự án nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH.

Kể từ khi thực hiện dự án, nhiều khu rừng ngập mặn được hình thành, cây rừng ngập mặn phân tán cũng được người dân tự nguyện đăng ký trồng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2015 – 2019, đơn vị này đã tổ chức trồng được 126 ha rừng ngập mặn. Trong đó, đa số diện tích sinh trưởng tốt. Tùy theo đặc trưng của từng địa phương, đơn vị đã chọn những loại cây phù hợp.

“Với diện tích rừng ngập mặn đã trồng, chúng tôi chú trọng khoanh vùng, bảo vệ. Theo đó, tạo nên mạng lưới bảo vệ rừng ngập mặn chuyên biệt, đồng thời, tuyên truyền để người dân chuyển biến nhận thức, cùng chung tay bảo vệ, phát triển rừng. Mỗi địa phương sẽ chọn một loại cây để trồng. Tại Quảng Điền sẽ trồng bần, dừa nước; Phú Vang phát triển cây bần”, ông Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết.

Ông Huy cho rằng, trồng rừng ngập mặn trên hệ thống đầm phá Tam Giang hiện vấp phải một số khó khăn nhất định bởi không có bãi bồi tự nhiên nên bắt buộc xây dựng các bãi bồi nhân tạo dẫn đến chi phí đầu tư lớn. Công tác khoanh vùng bảo vệ sau khi trồng khó khăn vì nhiều người dân còn chưa có ý thức khi khai thác thủy sản tại các khu rừng ngập mặn; thời tiết ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.

“Tại Thừa Thiên Huế, ngoài dự án đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá đã có thêm một dự án nữa dự kiến phát triển thêm 100 ha rừng ngập mặt. Bởi những lợi ích rừng ngập mặn mang lại trong điều kiện BĐKH nên về lâu dài, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 430 ha tại Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh lên khoảng 556ha”, ông Huy thông tin.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai

Với việc thực hiện trồng mới 22 ha rừng ngập mặn tại xã Hương Phong (TP. Huế) đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai
Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn

Đối khớp ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và ba loại đất lâm nghiệp (đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh

TIN MỚI

Return to top