Hạt sen tươi được tách khỏi gương. Ảnh: VC
Theo anh Phan Văn Cường, trước đây ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phước, người dân chỉ sản xuất độc canh cây lúa hai vụ. Do ở vùng trũng thấp, nên nhiều diện tích ruộng lúa năng suất đạt rất thấp, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho gia đình. Anh Cường bàn với một số người bạn có chung ý nghĩ, một là phải mở một dịch vụ ngành nghề nào đó, hai là mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế.
“Trong điều kiện đất ruộng trũng, thấp, tôi lại có nhiều năm làm việc ở phía Bắc, học kinh nghiệm trồng sen của người dân, nên tôi quyết định đầu tư chuyển đổi trồng lúa sang trồng sen. Năm 2020, tôi làm đơn trình lên xã xin nhận thầu 6ha ruộng thuộc vùng đầm lầy để chuyển sang trồng sen đây là vùng ruộng trũng”, anh Cường nói.
Nhờ đã đi tham quan và học tập kinh nghiệm trồng sen ở các tỉnh phía Bắc nên vụ sen đầu tiên của anh đã mang lại năng suất cao. Tuy nhiên, bài toán khó đặt ra với anh và những người cùng làm lúc này là vấn đề đầu ra cho sản phẩm hạt sen. Để tìm được đầu ra ổn định và giá cả phù hợp, anh và nhóm người cùng làm đã lặn lội ra các tỉnh khác để tìm mối thu mua. Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng, anh cũng tìm được đầu ra với giá cả ổn định cho sản phẩm hạt sen.
Anh Cường chia sẻ: Cây sen có ưu điểm dễ trồng, dễ thích nghi với vùng đất trũng thấp, úng nước, lại ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, năng suất ổn định, sản phẩm dễ tiêu thụ. Chỉ sau từ 3 - 4 tháng là cho thu hoạch, đầu tư một lần nhưng thu nhập nhiều lần. Nếu tìm được đầu ra cho hạt sen thì trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Đặc thù của cây sen là một năm chỉ trồng 1 vụ. Chi phí 1ha sen chỉ hết khoảng 3 triệu đồng, trong khi năng suất lại đạt 90-95 tạ/ha. Với giá sen tươi từ 40-50.000/kg thì lãi bình quân đạt từ 56-60 triệu đồng/ha. Đối với 6ha sen hiện tại cách 3 ngày lại cho thu hoạch gương sen một lần (một lứa sen kéo dài khoảng 2 tháng).
Trồng sen còn tạo thêm việc làm cho người nông dân lúc nhàn rỗi thu hút lao động của địa phương vừa giúp cải thiện môi trường.
Do sản phẩm sen của anh và một số người làm chung không chỉ bán được ở thị trường trong tỉnh mà còn liên kết với thị trường các tỉnh phía Bắc nên số lượng thu hoạch của 6ha sen không đủ cung cấp. Anh đang có dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích trồng sen để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Theo khuyến cáo của Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Quảng Điền, tuy cây sen dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng do đặc điểm của cây sen không thích nghi với nước lũ (nước bạc) nên cần phải có đê, đập chắc chắn, ổn định. Không nên trồng chuyên canh sen, cứ trồng sen 1-2 năm chuyển sang cấy lúa rồi tiếp tục trồng sen lại khi đó mới cho năng suất cao.
Quảng Điền đang có kế hoạch mở rộng diện tích và vận động người dân khai thác các vùng đầm phá, chuyển đổi một số diện tích lúa bấp bênh, ngập úng sang trồng sen để đảm bảo thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin: Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển trồng sen; chọn những giống sen thích hợp với thời tiết và đất đai ở đây để đưa vào trồng...
HÀ THỊ HOÀI