ClockThứ Năm, 17/09/2020 15:21

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống bão số 5

TTH.VN - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, sáng 17/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 5 trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Phó Thủ tướng: Không được chủ quan mà cần chủ động ứng phó bão số 5Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 5Học sinh nghỉ học trong hai ngày 18 và 19/9Chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dânThủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 5Phó Thủ tướng: Không được chủ quan mà cần chủ động ứng phó bão số 5

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn chỉ đạo phòng, chống bão ở Phú Lộc

Đến kiểm tra âu thuyền tránh, trú bão Cầu Hai ở xã Lộc Tiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn chỉ đạo lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương triển khai các phương án phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là việc kêu gọi người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; khẩn trương neo, đậu tàu thuyền về nơi an toàn; có phương án di dời dân an toàn, chu đáo.

Tất cả đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã khẩn trương về cơ sở, cùng với lãnh đạo các thôn rà soát, đôn đốc công việc phòng, chống bão; tạm dừng lại tất cả các cuộc họp để tập trung thời gian chỉ đạo phòng, chống bão.

Thực địa và trực tiếp kiểm tra công trình kè biển xã Giang Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương triển khai công việc phòng, chống bão, bảo vệ tài sản công trình. Hiện, công trình đã và đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện.

Đơn vị thi công công trình kè biển xã Giang Hải triển khai phương án phòng, chống bão

Đến thời điểm này, các Đồn Biên phòng dọc tuyến biển trên địa bàn huyện Phú Lộc cũng đã phát pháo hiệu kêu gọi tàu, thuyền vào bờ tránh, trú bão.

“Bí thư, Chủ tịch UBND các xã khẩn trương về cơ sở để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Ngoài giằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản người dân thì tất cả tàu thuyền trên biển phải vào bờ để tránh, trú bão”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chỉ đạo.

*Tại Quảng Điền, đến chiều 17/9, mọi công tác chuẩn bị ứng phó bão, lũ gần như hoàn tất. Các thôn đã kiểm tra các vùng xung yếu, ven sông, đầm phá, rà soát và nắm bắt số hộ cần thiết dự kiến buộc phải di dời, sơ tán đến nơi an toàn.

Người dân Quảng Công (Quảng Điền) đưa thuyền, ngư cụ lên cao tránh bão

Các nhà thờ họ, trường học, trụ sở UBND xã, đình làng, nhà kiên cố của người dân… được chọn làm nơi trú tránh cho người dân trong thời gian xảy ra bão, lũ. Các loại nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, dầu thắp đèn… đã được các hộ và chính quyền địa phương dự trữ đầy đủ phục vụ ứng phó trong những ngày mưa bão.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay, từ hôm qua (16/9), huyện chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp kêu gọi thuyền về bờ, nghiêm cấm thuyền ra khơi. Các địa phương vùng ven biển, ven sông, đầm phá, vùng thấp trũng đã hoàn thành việc gia cố, giằng chống nhà cửa; chuẩn bị lương thực thực phẩm, phương tiện, lực lượng phục vụ sơ tán người dân khi có lệnh. Dự kiến toàn huyện có khoảng 2.000-3.000 hộ buộc sơ tán khi cần thiết. Người dân đang tích cực tổ chức giằng neo lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các sông đảm bảo an toàn...

“Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Các cấp, ngành đang tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, tùy tình hình thực tế, cấp độ bão, lũ sẽ tiến hành các biện pháp ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân”, ông Thắng khẳng định.

*Ở huyện Phú Vang, hơn 90% tàu thuyền trên địa bàn đã được đưa vào nơi neo đậu an toàn. Số tàu thuyền còn lại đang tiếp tục về bờ, vào nơi trú ẩn; các biện pháp khác để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân đang được khẩn trương, gấp rút hoàn thành trước 19 giờ cùng ngày.

Ngư dân giằng néo tàu, thuyền tại âu thuyền Phú Hải (sáng 17/9)

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho hay, địa phương này đã triển khai cho các UBND các xã, thị trấn ven biển phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, Hải đội 2, Đồn Biên phòng 224 Vinh Xuân, sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh của các đơn vị, kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn. Tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi. Công tác kêu gọi tàu thuyền trên biển về nơi trú ẩn an toàn hoàn thành trước 12 giờ ngày 17/9.

Theo kế hoạch, toàn huyện có 3.242 hộ với 12.411 khẩu, dự kiến cần phải sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Trong đó di dời đến các nhà kiên cố (tại chỗ) là 2.451 hộ với hơn 9.283 khẩu; Di dời đến các nơi an toàn như trường học, trạm y tế…, 791 hộ với hơn 3.128 nhân khẩu. Các địa điểm dự kiến sơ tán, di dời là các nhà cao tầng trong dân, các trụ sở UBND xã, trường học kiên cố, các cơ quan công sở nhà nước... Công tác di dời dân đến nơi an toàn hoàn thành trước 19 giờ ngày 17/9.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã kiểm tra hàng hóa, dự trữ (gạo. mì tôm, xăng, dầu…) theo kế hoạch đã được hợp đồng các đơn vị trên địa bàn, để cứu trợ khẩn cấp khi thiên tai xảy ra. Ngoài ra các địa phương kiểm lại tra hàng hóa dự trữ theo kế hoạch, thông báo cho người dân chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm tối thiểu 7 ngày cho gia đình, không để thiếu đói khi lụt bão xảy ra. Đồng thời, Điện lực Phú Vang đã chủ động sa thải điện lưới các khu vực thấp trũng, khu vực sạt lở ven biển, đầm phá để đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân.

Cùng ngày, Đoàn công tác UBND tỉnh  do ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 tại Phú Vang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (thứ 2 từ phải sang) chỉ đạo công tác neo đậu tàu thuyền 

Báo cáo với đoàn công tác, đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên lạc thông báo cho 2.031 phương tiện tàu thuyền với 11.090 lao động đang hoạt động trên biển biết về hướng di chuyển của bão số 5 để vào bờ tránh trú an toàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao công tác chủ động bám sát thực tế, triển khai có chiều sâu các phương án của BĐBP tỉnh trong ứng phó với bão số 5. Cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm như: tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ, bố trí sắp xếp tàu thuyền đảm bảo an toàn trong khu vực neo đậu.

Đối với khu vực đất liền, toàn tỉnh cần triển khai ngay việc chằng chống nhà cửa, biển hiệu, trụ sở, cắt tỉa cây xanh, đảm bảo phương án an toàn đối với các công trình cao tầng, công trình đang xây dựng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để chủ động ứng phó với bão số 5…

* Trong khi đó, ở huyện Phong ĐiềnUBND huyện chỉ đạo các địa phương triển khai ngay phương án di dời 2.409 hộ với 7.232 khẩu, trong đó di dời sơ tán tại chỗ 2.079 hộ và tập trung 330 hộ. Bên cạnh đó huy động lực di chuyển 156 ghe, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra tình hình phòng chống bão số 5 tại xã Phong Hải, Phong Điền

Sáng nay, kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 5 tại xã Phong Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu lãnh đạo huyện Phong Điền tập trung công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân đối phó cơn bão số 5; đảm bảo cơ sở vật chất trường học, triển khai ngay các phương án di người dân ở vùng xung yếu, ven biển và các hộ nuôi tôm đến nơi an toàn. Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngập lụt, chia cắt để chủ động sẵn sàng phương án di dời sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Duy trì lực lượng 24/24, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn tham gia ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra với phương châm 5 tại chỗ.

Huyện Phong Điền đã dự trữ 84.000 kg gạo, 2.118 thùng mì tôm cùng các nhu yếu phẩm, 2.500 lít xăng, dầu hỏa... “Với những diễn biến phức tạp và cường độ dự báo bão lớn, hơn lúc nào hết công tác phòng chống bão lũ cần được các địa phương và người dân quan tâm chú trọng. Ngoài ra các lực lượng công an, quân sự trên địa bàn huyện phải sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống bão, lụt nhằm tránh những thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra…” Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - Nguyễn Văn Bình yêu cầu.

* Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, chiều 17/9 các xã đã cơ bản hoàn thành việc chặt tỉa cây, gia cố nhà cửa.

Chặt tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ tại xã Thượng Long

Một số xã có diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lớn như: Hương Xuân, Thượng Nhật, Hương Sơn… đã tập trung phối hợp cùng người dân chặt tỉa cành cây cao su, giằng chống một số loại cây ăn quả để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Với các vùng thấp trũng, huyện đã rà soát lập danh sách số lượng và vị trí sơ tán khi có mưa lớn là 594 hộ/ 2.489 khẩu và khi có bão kết hợp mưa lớn là 2.065 hộ/ 7.632 khẩu.

Huyện đã dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm gồm: 30 tấn gạo, 5.000 lít xăng, 500 lít dầu hỏa, 500 thùng mì tôm và chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ, phương tiện cứu hộ để huy động cho công tác xử lý các sự cố, tìm kiến cứu nạn, sơ tán người dân…

* TX. Hương Thủy cũng đã triển khai nhiều hoạt động chủ động ứng phó với bão số 5.


Thông bão tình hình bão số 5 bằng loa di động ở Thủy Phù

Hương Thủy đã tăng thời lượng, thời gian phát thanh, đồng thời, liên tục cập nhật và triển khai thông tin liên quan đến bão số 5 về tận từng nhà dân bằng loa cầm tay, loa di động nhằm giúp bà con sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai.

“Điều lo ngại nhất là nhiều năm không gặp bão lũ lớn nên khó tránh khỏi chủ quan, đề nghị 12 xã, phường phải luôn đề phòng và khẩn trương triển khai các biện pháp ứng với bão số 5 như Công điện thị xã gửi các địa phương hôm qua đến từng thôn, tổ, từng nhà”, ông Nguyễn Đắc Tập – Phó Chủ tịch TX. Hương Thủy nhấn mạnh tại cuộc họp nhanh sáng 17/9.

Kiểm tra các nơi xung yếu sáng cùng ngày, tại khu vực sông Đại Giang – nơi tập trung nhiều hộ nuôi cá lồng của các xã: Thủy Phù, Thủy Tân (Hương Thủy) và Phú Gia (Phú Vang) - ông Nguyễn Thanh Minh – Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy yêu cầu các lực lượng tích cực giúp bà con giằng chống nhà cửa, cây cối, neo buộc thuyền, lồng cá… đặc biệt chú ý và luôn sẵn sàng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo trước, trong và sau bão lũ.

* Tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, trên địa bàn huyện đã khẩn trương thu hoạch lúa, đồng thời triển khai nhiều biện pháp ứng phó trước diễn biến của bão số 5 và mưa lũ sau bão.

Lực lượng đoàn viên thanh niên ở A Lưới hỗ trợ các trường mầm non trong công tác phòng chống bão số 5

Đến ngày 17/9, đa phần các diện tích lúa trong tổng diện tích gieo cấy vụ hè thu năm nay (1.044 ha lúa các loại) đã thu hoạch cơ bản gần xong, chỉ còn khoảng 9 ha lúa ở một số địa phương còn quá xanh, chưa thể thu hoạch.

Huyện A Lưới cũng đã chủ động có phương án dự trữ hàng hóa, trong đó có 13 tấn gạo, 22.000 gói mì ăn liền, 5.000 kg muối, 22.000 lít nước uống đóng chai, 11.000 lít xăng dầu…

Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, các thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cũng về các địa phương để rà soát, kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão, các phương án di dời người dân khi cần thiết…

Sáng 17/9, lực lượng đoàn thanh niên giúp các trường mầm non giằng chống tại nhà cửa tại các điểm trường.

Ngày 17/9, Đại học (ĐH) Huế vừa có công văn hỏa tốc (số 1442/ĐHH-VP) gửi các trường ĐH, viện thành viên; các đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Huế về việc tăng cường chỉ đạo ứng phó với bão số 5.

Giám đốc ĐH Huế yêu cầu các đơn vị có học sinh, sinh viên đang học tập, đề nghị theo dõi sát diễn biến của bão số 5, nếu không có thay đổi hướng đi của bão thì chủ động thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 18/9 để đảm bảo an toàn.

Các đơn vị nghiêm túc tổ chức trực ban 24/24; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo tình hình về ĐH Huế.

   Tin, ảnh: Nhóm PV 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động mọi tình huống khi mưa bão đến

Quảng Điền là vùng thấp trũng, hàng năm thường chịu ảnh hưởng của thiên tai. Để giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra, liên tục những ngày qua, lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn đã trực tiếp về tận cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão.

Chủ động mọi tình huống khi mưa bão đến
Quảng Điền: Khi lãnh đạo về với cơ sở

Bám sát thực tế, tăng cường làm việc với các chi bộ ở cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cán bộ, đảng viên và người dân để tập trung lãnh, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn... là việc làm thường xuyên của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt huyện Quảng Điền.

Quảng Điền Khi lãnh đạo về với cơ sở
Truyền lửa cho lớp trẻ

Với nhiều hoạt động bồi dưỡng tình yêu nước cho các em học sinh, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền là điểm sáng trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Truyền lửa cho lớp trẻ

TIN MỚI

Return to top