ClockThứ Ba, 05/03/2024 06:21

Ứng phó nguy cơ dịch cúm gia cầm

TTH - TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cảnh báo, trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm (DCGC) nếu chủ quản, thiếu chủ động trong triển khai các biện pháp ứng phó.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầmBuôn bán gia cầm trôi nổi: Hiểm họa khôn lườngChủ động không để tái bùng phát dịch cúm gia cầm

 Tiêu độc khử trùng một điểm tập kết, mua bán gia cầm

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tháng đầu năm nay, DCGC A/H5N1 xảy ra tại 6 tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang, Long An, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy trên 8.924 con. Hiện nay, các tỉnh Long An, Ninh Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu và Khánh Hòa đang có dịch chưa qua 21 ngày.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương chủ động huy động lực lượng, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh khá hiệu quả. Trong nhiều năm qua, DCGC không xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua giám sát chủ động vẫn phát hiện sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm tăng mạnh phục vụ trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn, kết hợp với thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi chính là nguy cơ DCGC xảy ra và lây lan trong thời gian tới rất cao.

Điều yên tâm hiện nay là, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn từ hàng ngàn con trở lên đều chủ động triển khai các biện pháp ứng phó dịch bệnh một cách bài bản, hiệu quả. Các chủ trang trại vận dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy trình kỹ thuật của ngành thú y, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, dân gian mang lại hiệu quả trong phòng ngừa DCGC.

Ông Nguyễn Thuận, chủ trang trại ở vùng cát Quảng Điền cho rằng, vì chăn nuôi quy mô lớn nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ thiệt hại nặng. Điều này đòi hỏi ông Thuận cũng như các chủ trang trại không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Hầu hết các chủ trang trại đều được tham gia các lớp tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi một cách bài bản.

 Tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường trong khu dân cư

Ngoài các biện pháp tiêm vắc-xin, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, ông Thuận và các chủ trang trại còn kết hợp chế biến các loại thức ăn để tăng đề kháng cho gia cầm. Chẳng hạn như dùng trứng gà sẵn có tại chuồng trại trộn với các loại thức ăn, nước ép từ củ tỏi... làm thức ăn dinh dưỡng, phòng ngừa DCGC.

Điều lo ngại hiện nay là tại các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ khó kiểm soát dịch bệnh. Số gia cầm này thường chăn nuôi thả rông trong vườn nhà, tìm kiếm thức ăn chung với các loài chim từ nơi các đến có thể mang theo mầm bệnh. Hơn nữa, hầu hết các hộ nuôi nhỏ lẻ thường không tiêm vắc-xin, không tiêu độc khử trùng nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao, có nguy cơ lây lan sang các trang trại trên địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Nguyễn Văn Hưng thông tin, những ngày này, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh phối hợp với ngành nông nghiệp, kinh tế các huyện, thị xã và chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện công tác phòng, chống DCGC. Trong đó, tập trung các biện pháp căn bản nhất như hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện việc khai báo, đăng ký chăn nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Con giống mua về thả nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và phải mua từ các cơ sở an toàn dịch bệnh. Gia cầm bố mẹ phải được tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh và được cơ quan thú y kiểm dịch.

Tại hai chốt kiểm dịch bắc, nam đang được bố trí lực lượng chốt chặn 24/24 giờ; ngoài hoạt động tuần tra, lực lượng này còn tổ chức kiểm dịch, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trước khi đi qua địa bàn tỉnh và nhập vào địa bàn tỉnh để giết mổ, tiêu thụ.

Các hộ, cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo các quy trình, yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo ứng phó với DCGC. Theo đó, chăn nuôi gia cầm theo mô hình, phương thức khép kín, cách ly với môi trường bên ngoài. Chuồng trại nuôi cách ly với nhà ở, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Các chủ hộ nuôi thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh, kết hợp tiêm đầy đủ vắc-xin phòng DCGC.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tổ chức phân công cán bộ thú y, nhân viên thú y cấp xã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm bảo đảm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Các trường hợp nghi ngờ gia cầm mắc bệnh sẽ có biện pháp khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Lực lượng thú y cơ sở thường xuyên rà soát, tiêm vắc-xin bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Các tổ tiêu độc đang được kiện toàn, trang bị hơn 320 máy bơm, bình bơm các loại để triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường. Đồng thời, triển khai tuyên truyền, xã hội hóa việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng sâu rộng đến tận người dân nhằm bảo vệ đàn gia cầm của mình trước nguy cơ dịch bệnh.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các cấp, ban ngành hướng dẫn các cơ sở giết mổ nâng cấp, sửa chữa, khắc phục điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các chủ giết mổ, nhập gia cầm được tổ chức cam kết có nguồn gốc rõ ràng và khỏe mạnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc. Người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về sự nguy hiểm của DCGC và thường xuyên chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng; không mua bán và ăn thịt gia cầm bị bệnh, ốm chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bài, ảnh: Thế Sửu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

TIN MỚI

Return to top