Trại giống Hồ Ngọc Vân mỗi năm sản xuất khoảng 50 triệu con tôm giống
Con giống quyết định 70-80% thành công
Cứ mỗi khi bước vào vụ nuôi mới, ông Trần Văn Chín ở xã Phong Hải (Phong Điền) lại khăn gói đến tận các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… để tìm nguồn giống, song chất lượng hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất, người mua chỉ cảm nhận bằng mắt thường.
Chất lượng tôm giống là yếu tố quyết định đến 70-80% thành công. Kỹ thuật, kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh, người dân cơ bản nắm vững; riêng chất lượng con giống thì hoàn toàn “mơ hồ”.
Một hộ nuôi tôm ở xã Điền Hương (Phong Điền) cho rằng, quá trình vận chuyển đường xa ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm, nếu phải mất thêm thời gian kiểm tra, kiểm dịch... thì tỷ lệ sống sẽ rất thấp.
TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh thông tin, theo quy định của ngành thú y, tôm trước khi mua về thả nuôi phải báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thú y để được kiểm tra, kiểm dịch thông qua máy PCR.
Quy định này được ngành thú y tổ chức tuyên truyền hằng năm trước khi bước vào vụ nuôi, tuy nhiên lâu nay các hộ vẫn không chấp hành. Việc kiểm tra qua máy PCR chỉ mất vài triệu đồng, song điều mà người dân lo ngại là chất lượng tôm giống bị ảnh hưởng, có thể bị chết do thiếu ô xi nên phải lập tức thả giống sau khi vận chuyển đường dài.
Chỉ đáp ứng 10%
"Khó khăn lớn nhất trong sản xuất tôm giống ở Thừa Thiên Huế là điều kiện thiên tai khắc nghiệt nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, mặt bằng phục vụ sản xuất cũng như kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng, giống bố mẹ khá lớn, ngoài khả năng của các chủ cơ sở", ông Phan Toàn, chủ cơ sở sản xuất, cung ứng giống ở Hòa Duân, xã Phú Thuận (Phú Vang) chia sẻ.
Mặc dù nhiều năm trong nghề cung cấp giống cho các hộ nuôi nhưng đến nay, cơ sở của ông Phan Toàn mới chỉ sản xuất mỗi năm 4 đợt với tổng số lượng 16 triệu con tôm giống. Riêng về dịch vụ, mỗi năm cơ sở ông Toàn mua khoảng 200 triệu con tôm giống từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận…, cung ứng cho các hộ nuôi.
Theo ông Toàn, các chủ cơ sở sản xuất ở Bình Thuận, Ninh Thuận chỉ trình các thủ tục kiểm dịch, giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo chất lượng… Thông thường sau khi vận chuyển từ các tỉnh về, tỷ lệ giống bị hao hụt khoảng 10-15%, dù các chủ cơ sở có khuyến mãi thêm con giống.
Chủ cơ sở sản xuất, cung ứng giống ở Lộc Vĩnh (Phú Lộc), ông Đinh Văn Chiến cho hay: Thiếu mặt bằng, thiếu vốn đầu tư, điều kiện thời tiết phức tạp… là những yếu tố gây trở ngại trong việc sản xuất giống tại chỗ. Bình quân mỗi năm cơ sở chỉ sản xuất khoảng 10 triệu con tôm sú giống. Riêng về dịch vụ trung gian, mua giống ở các tỉnh về cung ứng cho người dân mỗi năm khoảng 50 triệu con".
Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, nếu có sự đầu tư một cách thỏa đáng, hoàn toàn có thể sản xuất tôm giống tại chỗ, chẳng hạn chọn mặt bằng hợp lý, cách xa bờ biển, đầm phá, vùng ít bị tác động do bão, lũ. Một lợi thế là Nghị định 17 ngày 2/2/2018 bổ sung, sửa đổi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung; trung tâm giống thủy sản cấp vùng; trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất, làm dịch vụ cung ứng tôm giống, gồm các cơ sở: Phan Toàn, Hồ Ngọc Vân ở Phú Thuận; Phượng Trường ở Thuận An (Phú Vang); Đinh Văn Chiến ở Lộc Vĩnh (Phú Lộc) và Trung tâm Giống Thừa Thiên Huế ở Thủy Bằng (TX. Hương Thủy). Bình quân mỗi năm các cơ sở sản xuất khoảng 110 triệu con giống tại chỗ.
Bài, ảnh: Hoàng Triều