ClockThứ Năm, 03/12/2020 17:08

Vì môi trường biển, đầm phá không rác thải

TTH.VN - Đó là mục tiêu chính được nhấn mạnh tại hội nghị triển khai dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” (Dự án) của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Liên hiệp quốc (UNDP/GEF SGP) do Tỉnh Đoàn tổ chức ngày 3/12. Đến dự có bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam.

Hành động tích cực vì môi trường sống và phát triển bền vữngKhai thác tiềm năng biển, đầm phá bền vững

Ra mắt nhóm tư vấn kỹ thuật thực hiện dự án

Với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng, Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian hơn 1 năm trên địa bàn thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận huyện Phú Vang.

Từ tiền đề cơ sở

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, UBND huyện đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đến năm 2020 và định hướng đến 2025”. Đến nay, UBND huyện đã triển khai đấu thầu dịch vụ công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn toàn huyện. Tỷ lệ thu gom vận chuyển và xử lý rác thải toàn huyện đạt khoảng 87% tổng khối lượng rác thải phát sinh, tức khoảng 24,7 ngàn tấn/năm.

Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện phối hợp với Mặt trận, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức vận động người dân hạn chế tiến đến không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một  lần. Trên cơ đó, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động vì môi trường, nhằm lan toả thông điệp sử dụng túi đựng hàng, bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đến người dân và du khách.

Ngoài ra, Huyện Đoàn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên thị trấn Thuận An, triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh trên biển” cho hội nghề cá thị trấn. Mô hình nhằm huy động người dân, ĐVTN và các đội tàu đánh bắt xa bờ thu gom rác thải nhựa, chai nhựa, vỏ lon, bao bì ni lông… trên biển vừa gây quỹ giúp cho các em học sinh nghèo vừa làm sạch môi trường biển.

Anh Trần Văn Cường, Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An, Chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ huyện chia sẻ tại hội nghị, từ khi thực hiện mô hình “Ngôi nhà xanh trên biển”, bản thân anh đã tận dụng các vây lưới, rổ cá bị hư hỏng để chế tạo thành cần vợt, rổ đựng rác cho các thành viên trong CLB. Trên chiếc tàu với công suất hơn 1.000 CV của mình, anh bố trí khoang riêng đựng rác thu gom được. Trung bình mỗi tháng có 4-5 chuyến bám biển, mỗi chuyến kéo dài từ 5 ngày đến gần 1 tháng, trung bình mỗi chuyến, các thành viên thu được 300 ngàn đồng từ tiền bán phế liệu gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, mô hình “Ngôi nhà xanh trên biển” đang được huyện chỉ đạo nhân rộng cho tất cả các chi hội nghề cá trên địa bàn.

Rác thải nhựa thu gom trên biển sẽ bán gây quỹ cho học sinh nghèo

Dù nỗ lực, song ông Nguyễn Văn Chính cũng khẳng định, vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch từ biển và đầm phá trên địa bàn huyện.

Hướng đến phát triển kinh tế biển xanh

Trên cơ sở tiền đề của chính quyền và người dân huyện Phú Vang thực hiện thời gian qua, Dự án sẽ góp sức cùng chính quyền và người dân huyện trong thực hiện mục tiêu chung vì môi trường biển, đầm phá không rác thải.

Theo chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng ban điều hành Dự án, bên cạnh tập trung vào các hoạt động trang bị kỹ năng cho người dân trong giảm thiểu rác thải và rác thải nhựa, xây dựng các mô hình quản lý rác thải, rác thải nhựa trong cộng đồng dân cư, Dự án còn thực hiện mục tiêu gắn phát triển du lịch biển, đầm phá và kinh tế biển với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Cụ  thể, hỗ trợ xây dựng 2 mô hình quán ăn, nhà hàng kiểu mẫu, thành lập 2 câu lạc bộ ngư dân trẻ ra khơi bám biển gắn với bảo vệ môi trường biển. Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật khai thác thủy, hải sản hiệu quả cho ngư dân vùng biển và đầm phá, chú trọng các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản trên đầm Sam Chuồn. Đồng thời, phối hợp hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy, hải sản an toàn và hiệu quả, lồng ghép tuyên truyền giảm rác thải nhựa tại cảng cá. Dự án cũng kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản cho ngư dân vùng biển và đầm phá trên sàn kinh tế hợp tác.  

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam cho biết: “22 hoạt động trong khuôn khổ của dự án đều hướng đến mục tiêu chung nâng cao hiệu quả công tác quản lý rác thải, rác thải nhựa dựa vào cộng đồng gắn với phát triển du lịch ở vùng biển đầm phá. Cùng với nỗ lực đồng hành của chính quyền địa phương, tôi tin tưởng dự án sẽ đạt hiệu quả cao như mục tiêu đề ra”.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ

Ngày 5/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Fédération Handicap International (Humanity & Inclusion) (HI) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận thông tin và cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số phù hợp" giai đoạn 2024-2027.

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ
Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Dự báo đến năm 2025, nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn tỉnh phát triển thêm khoảng 1.016.205m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.861 tỷ đồng và đến năm 2030 phát triển thêm khoảng 951.562m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.224 tỷ đồng.

Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

TIN MỚI

Return to top