Ngư dân Phú Hải (Phú Vang) đầu tư phát triển đội tàu khai thác thủy sản có công suất lớn. Ảnh: Bảo Châu
Đầu tư chiều sâu
Ngư dân Nguyễn Hôi ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) khẳng định, từ khi những chiếc tàu “67” công suất lớn hạ thủy, hiệu quả khai thác hải sản ngày càng cao. Nhiều chuyến biển có lãi từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Các chủ tàu, thuyền viên có điều kiện ổn định cuộc sống.
Đến nay, toàn tỉnh có 45 chiếc tàu ĐBXB công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, nâng tổng số tàu ĐBXB toàn tỉnh lên khoảng 450 chiếc; 1.943 thuyền khai thác gần bờ và hơn 3.500 thuyền máy khai thác vùng sông, đầm phá. Sản lượng khai thác thủy hải sản năm 2019 đạt gần 42 ngàn tấn, năm 2020 ước đạt 43-44 ngàn tấn (so với năm 2015 chỉ 39 ngàn tấn). Trong đó, huyện Phú Vang có đội tàu, thuyền lớn nhất toàn tỉnh với 1.365 chiếc, sản lượng khai thác năm 2019 đạt 29.405 tấn, năm 2020 ước đạt trên 30 ngàn tấn.
Theo ông Trần Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, so với tiềm năng, lợi thế của biển, hiệu quả khai thác những năm qua vẫn chưa tương xứng do hạn chế về công nghệ, ngư cụ khai thác. Trước yêu cầu hội nhập, hướng đến mở rộng thị trường, xuất khẩu hải sản cần phải có sự đầu tư thỏa đáng về công nghệ khai thác hiện đại. Hơn ai hết, ngư dân cần thay đổi tư duy, mạnh dạn, chủ động tham khảo, tìm hiểu những công nghệ khai thác phù hợp. Ngành thủy sản phối hợp với các địa phương có sự định hướng, tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ ĐBXB hiện đại cho ngư dân.
Các công nghệ cần thiết trong điều kiện nâng cao năng lực khai thác như hiện nay buộc phải đầu tư, như nâng cấp, cải hoán tàu công suất lớn đảm bảo vươn khơi dài ngày; ngư lưới cụ hiện đại, như máy dò cá-dò ngang CH 250, máy dò ngang Koden KDS-6.000 BB, máy dò cá ngang sử dụng sóng siêu âm, hệ thống đèn LED tiết kiệm năng lượng, công nghệ bảo quản hải sản; đa dạng nghề khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương... là không thể thiếu trên hành trình bám biển.
Ngư dân Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An khẳng định, sử dụng máy dò cá ngang lại hiệu quả gấp đôi so với các máy dò cá thông thường và giảm chi phí nhiên liệu từ 20-25% trong mỗi chuyến ĐBXB. Sử dụng đèn LED trong quá trình đánh bắt tiết kiệm đến 80% chi phí mỗi chuyến biển. Ngư dân nhiều tỉnh và các tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh sử dụng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU. Công nghệ bảo quản hải sản này có thể bảo quản kéo dài từ 20 ngày đến cả tháng vẫn đảm bảo xuất khẩu và hạn chế tiêu hao lượng nước đá đến 95%. Điều này còn góp phần giảm tổn thất sản lượng sau khai thác chỉ còn 5% so với các loại hầm khác.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang đánh giá, với cảng biển, âu thuyền xuống cấp, lạc hậu, bồi lắng như hiện nay không đáp ứng nhu cầu hoạt động cho đội tàu ĐBXB toàn tỉnh. Đầu tư hệ thống cảng biển hiện đại, âu thuyền neo đậu tránh trú bão đáp ứng yêu cầu mới trong điều kiện phát triển kinh tế biển là điều tất yếu.
Dự án Cảng cá Thuận An (CCTA) loại 1 với tổng kinh phí đầu tư trên 642 tỷ đồng được Chính phủ phê duyệt, dự kiến triển khai trong quý 4 năm nay bằng nguồn kinh phí từ bồi thường sự cố môi trường biển. Quy mô nâng cấp, xây dựng CCTA loại 1 phục vụ neo đậu cho 120 lượt các tàu có công suất 700 CV trở lên/ngày với sản lượng 20 ngàn tấn hải sản/năm. Công trình CCTA kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho 1.000 chiếc tàu có công suất 300 CV trở lên. Trong hệ thống CCTA loại 1 sẽ xây dựng, tổ chức các dịch vụ thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu hải sản… đảm bảo phục vụ hậu cần nghề cá, ĐBXB trước yêu cầu mới.
Đánh bắt xa bờ từng bước được đầu tư, cho hiệu quả cao hơn. Ảnh: Hoàng Triều
Thu nhập 7 tỷ đồng/năm
Các loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế bắt đầu hồi sinh kể từ khi các khu bảo vệ thủy sản (KBVTS) được hình thành, thu hút ngư dân cùng với các lực lượng tham gia bảo vệ, gắn với tái tạo NLTS trên các vùng đầm phá. Ông Nguyễn Nam ở thôn Hà Công, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) vui mừng khi mỗi ngày có nguồn thu từ vài trăm ngàn, nhiều khi đến cả triệu đồng nhờ đánh bắt thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo thông tin, từ năm 2013, KBVTS Vũng Mệ được thành lập với diện tích 40 ha mặt nước. Từ đó, các hoạt động khai thác trái phép được siết chặt; nò sáo được kiểm soát, sắp xếp lại, từ 273 trộ nò sáo toàn xã chỉ còn 89 trộ. Nguồn tôm ngày càng hồi sinh, dồi dào.
Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình (Phú Lộc) Phan Thế Phúng cho hay, từ khi các khu bảo vệ NLTS Hòn Núi Quện, Gành Lăng và Khe Đập Làng được thành lập, nhiều loài thủy sản có giá trị như cua, lươn, cá dìa, kình, thệ… ngày càng sinh sôi. Vài năm gần đây, ngư dân Lộc Bình đánh bắt hiệu quả cao hơn trước, bình quân mỗi ngày 200-300 ngàn đồng, những lúc trúng đậm đến cả triệu đồng.
Theo Sở NN&PTNT, từ cuối năm 2009, UBND tỉnh bắt đầu có chủ trương thành lập các KBVTS trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 23 KBVTS với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt là 614,2 ha, chiếm gần 3% diện tích vùng đầm phá. Ở đâu đã thành lập KBVTS, ở đó hoạt động khai thác trái phép hạn chế, công tác bảo vệ NLTS nghiêm ngặt. Không một ai được phép đánh bắt trong khu bảo vệ, dù bất cứ lúc nào…Sự hồi sinh NLTS cho thấy, mỗi địa phương có KBVTS thu nhập bình quân trên 7 tỷ đồng/năm.
Trong điều kiện bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn sinh kế cho ngư dân vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, mô hình thành lập KBVTS ra đời là điều tất yếu, phù hợp với thực tiễn. Sắp đến, ngoài tái cơ cấu, thành lập thêm các khu bảo vệ mới, ngành thủy sản tăng cường các biện pháp ngăn chặn triệt để nạn khai thác đánh bắt thủy sản trái phép trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Đến nay, toàn tỉnh thành lập khoảng 50 chi hội nghề cá (CHNC) để quản lý, bảo vệ NLTS. Chi cục Thủy sản tỉnh cấp hàng chục chiếc thuyền kiểm ngư cộng đồng và các công cụ hỗ trợ khác cho các CHNC để tuần tra, xử lý vi phạm.
Hoạt động khai thác góp phần quan trọng trong phát triển nghề chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh. Các địa phương ven biển, đầm phá đã xây dựng, hình thành hơn 330 cơ sở chế biến thủy, hải sản với sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô... Nghề biển tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10 ngàn hộ gia đình với hơn 21 ngàn lao động.
Hoàng Triều