Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh minh họa: TTXVN
Thị phần thủy sản của Việt Nam tính theo lượng tăng nhẹ từ 7,2% trong 10 tháng năm 2020 lên 7,3% trong 10 tháng năm 2021. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản thường đạt mức cao nhất là vào tháng 12 và tháng 1 hàng năm. Đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm thủy sản có trị giá cao để phục vụ ngày Lễ đầu năm mới ở Nhật Bản.
Dẫn số liệu từ cơ quan Hải quan Nhật Bản theo Cục Xuất Nhập khẩu cho thấy, 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Nhật Bản, đạt 111,1 nghìn tấn với trị giá 94,94 tỷ JPY, tương đương 840 triệu USD; tăng 1,1% về lượng nhưng giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng lưu ý, nhập khẩu thủy sản của nước này trong tháng 10/2021 đạt 150,08 nghìn tấn, trị giá 134,5 tỷ JPY, tương đương 1,19 tỷ USD, giảm 8,2% về lượng, nhưng tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 10 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 1.170 tỷ JPY, tương đương 10,357 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá.
Tháng 10/2021, nhập khẩu hai mặt hàng thủy sản chính vào Nhật Bản là tôm và cá ngừ đều tăng so với tháng 10/2020. Trong khi nhập khẩu mực, bạch tuộc và cua giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, Nhật Bản tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ yếu, trong khi nhập khẩu bạch tuộc và cá hồi giảm mạnh.
Cá ngừ là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, đạt 500 nghìn tấn, trị giá 393,1 tỷ JPY, tương đương 3,5 tỷ USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 15,9% về trị giá so với 10 tháng năm 2020.
Ngoài ra, nhập khẩu tôm đạt 183,1 nghìn tấn, trị giá 206,5 tỷ JPY, tương đương 1,83 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và tăng 6,5% về trị giá. Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2021, Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản từ thị trường Na Uy và Ấn Độ, giảm mạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.
Theo TTXVN