Nguồn nguyên liệu tại chỗ có thể không thiếu, nhưng tính an toàn không cao nên doanh nghiệp đành phải thu mua thêm một lượng lớn ở nước ngoài về phục vụ chế biến, rồi lại xuất khẩu sang các nước; đó là nghịch lý - thực trạng hiện nay của các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu.
Hoạt động chế biến tôm tại Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế
Lượng nhiều, chất ít
Ông Phạm Nhật Tế, phụ trách kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Việc “đứng chân” trên vùng cát ven biển Phong Điền, công ty kỳ vọng tạo sự “khác biệt” trong đầu tư sản xuất kinh doanh trên vùng đất giàu tiềm năng này. Đó là sự hợp tác với các địa phương, định hướng cho người dân phát huy tiềm năng vùng cát ven biển, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm chân trắng, tạo ra sản phẩm an toàn gắn với bao tiêu, chế biến và xuất khẩu.
Để đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và một số thị trường tiềm năng, công ty đã đầu tư công nghệ hiện đại. Toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến của nhà máy hoàn toàn khép kín, trang thiết bị máy móc được nhập khẩu từ nước ngoài đảm bảo tiêu chuẩn và có tính tự động hóa cao.
Tuy vậy, thực tế mọi thứ đã không như kỳ vọng của công ty. Ông Tế thừa nhận, thiếu nguồn nguyên liệu chế biến luôn là trở ngại lớn của đơn vị kể từ khi đi vào hoạt động đến nay. Với công suất chế biến 9.000 tấn sản phẩm/năm, công ty cần một lượng lớn nguyên liệu tôm nuôi, thủy hải sản. Trong khi nguyên liệu do công ty sản xuất chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu chế biến nên kỳ vọng ban đầu phụ thuộc vào nguyên liệu của người dân bản địa.
Hằng năm, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh bình quân 3.325 ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng 560 ha với tổng sản lượng trên dưới 7.000 tấn. Nguồn nguyên liệu này có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu, công suất chế biến của công ty. Sự kỳ vọng của công ty càng nhiều bao nhiêu thì thất vọng cũng bấy nhiêu, khi toàn bộ sản phẩm của người dân tạo ra đều không đảm bảo an toàn, kích cỡ quy định. Trong đó, dư lượng kháng sinh luôn vượt quá giới hạn cho phép, không đảm bảo yêu cầu chế biến xuất khẩu. Việc thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ buộc công ty phải nhập một lượng lớn nguyên liệu từ một số nước, nhất là Thái Lan nhằm đảm bảo công suất chế biến, xuất khẩu; khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Giám đốc Công ty CP Phát triển thủy sản tỉnh, ông Nguyễn Thanh Túc thông tin, nguồn nguyên liệu tôm trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 10% công suất chế biến xuất khẩu của công ty, còn lại phải nhập từ nước ngoài và các tỉnh phía nam. Ông Túc cho rằng, nuôi trồng thiếu khoa học, không an toàn, dư lượng kháng sinh cao chính là rào cản lớn trong hoạt xuất khẩu thủy sản của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Các thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật… đều rất khắt khe, kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, nhất là tôm nuôi.
Hiện nay, kinh phí đầu tư công nghệ kiểm soát kháng sinh đến cả chục tỷ đồng trở lên, nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh cũng rất lớn, khoảng 6.000 đồng/kg tôm làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Điều này khiến người nuôi tôm không mặn mà chuyện kiểm tra, giám sát dư lượng kháng sinh trong quá trình nuôi.
Chế biến mực xuất khẩu tại Công ty TNHH Phú Song Hường
Đánh bắt “thụt lùi”
Đội tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây, đến nay có đến 572 chiếc công suất lớn, trong đó 4 chiếc tàu vỏ thép khá hiện đại. Tỉnh cũng từng bước đầu tư, nâng cấp hạ tầng bến cảng, âu thuyền quy mô lớn, hiện đại phục vụ hoạt động khai thác biển. Nhưng có lẽ những đầu tư lớn đó chẳng tương xứng so với hiệu quả đánh bắt trong thời gian qua.
Một thời số lượng tàu công suất lớn chưa nhiều, thiết bị, ngư cụ hiện đại tuy chưa được đầu tư nhưng ngư dân mạnh dạn vươn khơi, bám biển dài ngày, nhiều chuyến biển đầy ắp cá thu, cam, chủa, cờ, ngừ… có giá trị kinh tế cao. Giờ đây, khi được đầu tư hiện đại, sản lượng khai thác hằng năm đều tăng, như tám tháng đầu năm nay toàn tỉnh ước đạt trên 31 ngàn tấn, tăng khoảng 3,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị sản phẩm lại giảm mạnh. Một phần ảnh hưởng COVID-19 nên giá thấp, song phần lớn do chất lượng sản phẩm quá thấp. Hầu hết những chuyến biển xa của các tàu đều chở về một lượng lớn cá nục kích cỡ nhỏ.
Những khoang cá cờ, thu, chủa, cam… đang dần khan hiếm, dần trở nên xa xỉ với ngư dân. Không chỉ thế, một thời trên địa bàn tỉnh có đội tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương, loại cá thường xuất hiện ở vùng biển xa, ngư trường lớn có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu. Tuy nhiên, các tàu chỉ hoạt động trong thời gian ngắn do ngư dân thiếu mạnh dạn vươn khơi, kỹ thuật khai thác lạc hậu. Công nghệ bảo quản cá ngừ không được đầu tư thỏa đáng, không đảm bảo theo tiêu chuẩn phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Giám đốc điều hành Nhà máy chế biến - Công ty TNHH Phú Song Hường, ông Trần Mai Anh đánh giá, sản phẩm khai thác biển trên địa bàn tỉnh không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hoàn toàn không thể chế biến xuất khẩu sang thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật… Trong khi thị trường xuất khẩu rất cần các sản phẩm hải sản có giá trị, chất lượng như cá thu, chủa, cam, cờ, ngừ đại dương, mực… thì chúng ta lại không có. Một số sản phẩm như mực, cá nục, nục gai, nục suôn, ngừ ồ… chủ yếu tiêu thụ nội địa, một số xuất khẩu sang Thái Lan, Malaisia, Philippin… và Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nhưng chất lượng, độ tươi cũng chỉ đạt trên dưới 70%.
Để theo kịp xu thế đánh bắt xa bờ, các công ty, doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng công suất, công nghệ cấp đông, chế biến sản phẩm hiện đại. Vậy nhưng, sản phẩm đánh bắt xa bờ không chỉ chất lượng thấp mà sản lượng còn không đáp ứng nhu cầu chế biến. Theo ông Trần Mai Anh, công suất thu mua bình quân mỗi ngày của các công ty trên địa bàn tỉnh ước khoảng 100 tấn cá, mực các loại, song các tàu chỉ đáp ứng khoảng 40% sản lượng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh thông tin, toàn tỉnh hiện có 4 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Phú Song Hường; Công ty CP Phát triển thủy sản tỉnh, Công ty CP Thủy sản Phú Thuận An và Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế. Thị trường xuất khẩu sản phẩm của các công ty chủ yếu châu Âu, Hàn Quốc, Argentina và các thị trường khác có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản (NAFIQAD). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản hằng năm đạt trên dưới 58 triệu USD.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
Kỳ 2: Ngư dân phải là chủ thể