ClockThứ Hai, 09/12/2019 06:30

Xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp: Nông dân là người “cầm cân”

TTH - Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng tránh tình trạng “được mùa, mất giá” là khẳng định của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ tại buổi đối thoại đồng hành cùng nông dân Thừa Thiên Huế trong phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực.

Sớm xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu nông sảnChuỗi liên kết nông nghiệp: Cần “đầu tàu”

Nhiều mặt hàng nông sản của người dân vẫn chưa được liên kết tiêu thụ

Nhiều chính sách được triển khai

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, năm 2019 Thừa Thiên Huế đạt mức tăng trưởng kinh tế xã hội 7,18% cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,8%). Trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp chỉ đạt 11,4% và mức tăng trưởng chậm 4,13%. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn là ngành có vai trò vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh, an sinh, chính trị xã hội.

Trên địa bàn, nông nghiệp có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển tạo ra những giá trị hàng hóa lớn góp phần tăng giá trị gia tăng, thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Trong đó, sản xuất sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành danh mục sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020 và giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn giai đoạn 2019-2020 với 16 sản phẩm. Các địa phương tích cực lồng ghép nhiều chương trình chính sách hỗ trợ như: khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP…. mang lại hiểu quả thiết thực.

Tuy nhiên, việc xây dựng các chuỗi liên kết, vùng nguyên liệu… vẫn thiếu tính bền vững ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ ra, chuỗi giá trị các sản phẩm nông đặc sản vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót, trở ngại. Mối liên kết, hợp tác giữa các tác nhân theo chuỗi giá trị vẫn lỏng lẻo. Người sản xuất thường không chú ý đến thị trường và các yêu cầu của thị trường; chất lượng và an toàn thực phẩm chưa được chú ý đầy đủ, các sản phẩm địa phương không được tiêu thụ dưới nhãn mác địa phương…

Nông dân phải tiên phong

Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã chỉ ra các vấn đề khó khăn trong quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường như: thiếu nguồn giống chất lượng trong phát triển nông nghiệp từ giống lúa, lợn, gà đến các loại sản phẩm đặc sản có nguy cơ biến mất như quýt Hương Cần, gạo De…. Các hộ dân dù đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, VietGAP nhưng đầu ra vẫn khá mờ mịt. Mặc dù tỉnh có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhưng để tiếp cận không phải là dễ dàng, chưa nói những quy định hỗ trợ này rất cứng nhắc nên dù tiếp cận được cũng chưa chắc nhận được nguồn hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt cho rằng, muốn xây dựng được các liên kết trước tiên bản thân người nông dân phải ý thức được việc sản xuất phải đảm bảo an toàn, chất lượng. Nếu như người sản xuất ra sản phẩm chỉ nghĩ đến kiếm tiền mà quên đi chất lượng sản phẩm thì việc liên kết rất khó, nếu có cũng sẽ không bền vững.

Để ngành nông nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới cần có sự chung tay, chung sức của “5 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng). Mỗi nhà cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của mình; phối hợp, liên kết chặt chẽ và nhịp nhàng với 4 nhà còn lại tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và kết nối cung cầu để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, tuy nhiên vẫn có nhiều định hướng cần điều chỉnh, nhất là định hướng phát triển cây ăn quả cần được chú trọng hơn. Các sở ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực trên phạm vi toàn tỉnh. Trên cơ sở đó quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung, xây dựng quỹ đất trong kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp tạo động lực trong sản xuất quy mô lớn.

Các sở, ngành, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết phối hợp với nhau trong hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết. Người nông dân cũng cần tự định hình sản phẩm của mình theo hướng chất lượng, cải tiến mẫu mã, trên cơ sở đó thành lập các HTX, tổ hợp tác làm “đầu tàu” liên kết với các doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp đi xa. Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định thành công của liên kết vì thế người nông dân phải là người “cầm cân” chính trong quá trình liên kết. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong phục tráng những giống cây trồng đặc sản địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Return to top