ClockThứ Bảy, 07/11/2020 12:36

Phá rừng cũng dữ, trồng rừng cũng ghê

TTH - Những số liệu thống kê về lâm nghiệp cho thấy, Việt Nam chúng ta “phá rừng cũng dữ mà trồng rừng cũng ghê”!

Hơn 800 ha rừng tự nhiên “bốc hơi” nằm trong sai số cho phép

Dân quân tự vệ phát quang, chăm sóc rừng trồng ở A Lưới (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Theo một số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay cả nước có khoảng 14,6 triệu ha rừng, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Hệ số che phủ rừng gần 42%, thế giới bình quân gần 29%. Ở Thừa Thiên Huế, độ che phủ của rừng vào tốp tốt so với nhiều tỉnh thành trên cả nước, đạt 57,37%. Và diện tích rừng trồng cũng rất lớn, khoảng hơn 118.000 ha.

Rừng sản xuất chúng ta có thể hiểu là vòng đời của cây rất ngắn. Ví như rừng trồng phổ biến ở Thừa Thiên Huế hiện nay là rừng keo tràm. Khoảng 4 -5 năm là người ta thu hoạch để bán dăm gỗ làm giấy và các loại vật dụng khác. Diện tích được gọi là rừng trồng gỗ lớn (từ 10 năm trở lên) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc chức năng cải thiện môi trường, giữ đất, giữ nước rất bị hạn chế.

Hai loại rừng có tác dụng tốt với môi sinh môi trường là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cũng chưa hẳn đã được “yên thân”. Nạn xâm phạm rừng còn nhiều. Có số liệu cho biết mức độ suy giảm của rừng phòng hộ là hơn 20%/năm. Hiện nay tình trạng xâm phạm rừng ít hơn chưa hẳn là nhu cầu sử dụng gỗ ít đi mà là… nhiều khu rừng đã bị “rỗng ruột”, tức là thấy xanh xanh đấy nhưng vào sâu trong rừng thì các loại gỗ tốt, có giá trị kinh tế cũng như giá trị môi trường cao đã bị khai thác kiệt quệ.

Các nhà nghiên cứu về lâm nghiệp cho rằng, chức năng bảo vệ môi trường, đặc biệt là giữ nước tốt nhất là rừng tự nhiên. Rừng trồng có tác dụng rất hạn chế (có nghiên cứu cho biết chỉ bằng 1/5 rừng tự nhiên), cho nên mới tạo ra hiện tượng nước tràn bề mặt nhiều khi có mưa to. Không giữ được nước thì mùa đông gây ra lũ lụt, mùa hè nắng nóng gây ra khô hạn, nói một cách khác là khó tìm lại được tình trạng mưa thuận gió hòa như cách đây chỉ vài mươi năm.

Nếu chúng ta có dịp đi lên hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (mà tỉnh nào cũng vậy chứ không riêng gì Thừa Thiên Huế) sẽ thấy “rừng trồng bò lên” tận nhiều đỉnh đồi. Đã rừng trồng thì có lúc phải khai thác. Muốn chở được gỗ người ta phải mở những con đường ngoằn ngoèo trên sườn núi tạo nên một độ vênh rất lớn của các vách trên sườn đồi. Chính những bậc ta luy này thường xảy ra nhiều nhất hiện tượng sụt lở. Điều này cho thấy, đã là rừng sản xuất thì chức năng môi trường không được ưu tiên. Với một cái nhìn lạc quan hơn, chúng ta sẽ thấy rừng trồng đã tham gia rất tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Nhưng nếu với cái nhìn mang tính “lịch sử” sẽ thấy rừng trồng “xâm chiếm” rừng tự nhiên rất nhiều.

Thôi thì rừng tự nhiên dù sao cũng đã mất nhiều, cứu vãn vẫn còn hơn không. Nguyên nhân mất rừng thì có lẽ ai cũng biết: chiến tranh, phá rừng trước nhu cầu sử dụng gỗ, nhu cầu phát triển kinh tế… Khi thiên tai ập xuống miền Trung khốc liệt như trong tháng 10 vừa qua, vấn đề sự tác động quá mức của con người vào thiên nhiên lại được “xới xáo”, có vẻ như người ta nhìn nhận thêm một tác nhân bổ sung nữa, đó là tình trạng làm thủy điện. Trong một phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu quan điểm: “Phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng”. Nhiều chuyên gia chuyên ngành về rừng, về dòng chảy của các dòng sông đã tỏ ra không ủng hộ cách phát triển thủy điện nhỏ như hiện nay. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng cho biết, sắp tới sẽ tham mưu cho Chính phủ loại bỏ hơn 470 thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch và hơn 200 cái nữa nếu muốn làm cũng phải được xem xét kỹ lưỡng.

Đọc nhiều tài liệu liên quan đến việc xây dựng thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ thì thấy ở các nước văn minh như Âu, Mỹ, họ đã nhận ra một điều: nếu tính đúng tính đủ chuyện thiệt hơn, thì thủy điện nhỏ không phải rẻ như người ta nghĩ. Cho nên họ dần dần loại bỏ. Trong khi đó đây là xu hướng của các nước châu Á.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai

Với việc thực hiện trồng mới 22 ha rừng ngập mặn tại xã Hương Phong (TP. Huế) đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai
Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn

Đối khớp ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và ba loại đất lâm nghiệp (đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn
Cháy rừng kỷ lục tấn công Venezuela

Theo dữ liệu vừa công bố ngày 1/4, Venezuela đang phải đối mặt với số vụ cháy rừng kỷ lục khi hạn hán do biến đổi khí hậu tàn phá khu vực rừng nhiệt đới Amazon.

Cháy rừng kỷ lục tấn công Venezuela
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Return to top