Nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh:
Tránh dẫn đến lãng phí
Trước đây, TP Huế xây dựng nhiều khu trưng bày sản phẩm làng nghề nhưng không phát huy hiệu quả dẫn đến lãng phí. Nguyên nhân một phần là chưa có sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân và DN du lịch để đưa khách đến. Bởi, làng nghề chỉ là bàn tay và khối óc tạo ra sản phẩm chứ không có chân đi mà ngành du lịch phải thực hiện điều đó.
Muốn khu làng nghề phát huy hiệu quả, các ban ngành phải liên kết với nhau, trong đó phải vận động được các làng nghề đưa sản phẩm đến trưng bày và thao diễn nghề, DN lữ hành đưa khách đến tham quan mua sắm tạo nên sự sôi động và thu hút. Đối với nghề thêu, mặc dù trên địa bàn có hàng chục HTX và cơ sở thêu có tiếng, cung ứng ra thị trường hàng ngàn bức tranh và sản phẩm thêu mỗi năm, song đến nay vẫn chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm phục vụ khách và các làng nghề khác như đan lát, điêu khắc, tranh, hoa giấy cũng vậy. Để khu làng nghề phát huy hiệu quả cần có chiến lược thu hút nghệ nhân và các làng nghề Huế quy tụ để sản xuất tập trung, tạo điểm nhấn riêng và đây cũng chính là mong muốn của những người yêu và gắn bó với nghề truyền thống Huế.
Thanh Hương
Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La:
Phát triển tuyến du lịch phía Tây
Lâu nay, sản phẩm mây tre đan được người tiêu dùng và du khách ưa chuộng, song do cơ sở sản xuất nằm cách thành phố khá xa, trong khi HTX chưa có khu giới thiệu sản phẩm ở các điểm du lịch nên khách du lịch rất khó mua sản phẩm. Hình thành khu làng nghề chung sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các làng nghề. Tuy nhiên, đa số các làng nghề trên địa bàn có quy mô nhỏ, điều kiện khó khăn nên sau khi khu làng nghề đi vào hoạt động, tỉnh cần có chính sách ưu đãi trong việc thuê mặt bằng, thuê lô để các làng nghề mở gian hàng thao diễn và giới thiệu sản phẩm phục vụ khách.
Để khu làng nghề sau khi xây dựng đáp ứng nhu cầu đặt ra, việc đầu tiên cần hướng đến là nâng cấp hệ thống đường giao thông cũng như phát triển tuyến du lịch phía Tây thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch đến đây. Mặt khác, nên kết hợp nhiều dịch vụ như bán hàng lưu niệm, thao diễn nghề, giới thiệu ẩm thực Huế, lưu trú cùng một lúc nhằm tạo sự sôi động và mang lại hiệu quả.
Gia An
Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch - Sở VH-TT&DL:
Quan tâm đến thị trường, cải tiến mẫu mã
Loại hình du lịch gắn với làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn: quy mô sản xuất trong các làng nghề còn nhỏ bé, nặng tính tự sản tự tiêu; trang thiết bị còn thô sơ, chủ yếu sản xuất thủ công; năng suất lao động thấp; mẫu mã chậm đổi mới, bao bì còn đơn điệu... Tính liên kết, hợp tác giữa các cơ sở và các làng nghề còn hạn chế nên thiếu sự phân công hợp tác nhằm tạo tính chuyên nghiệp và chuyên môn hoá; chưa có doanh nghiệp đủ lớn làm đầu mối giúp các hộ sản xuất tìm thị trường, nghiên cứu sản phẩm.
Với khu làng nghề Thủy Xuân để trình diễn nghề cần có nguyên liệu, không gian quảng diễn, thợ lành nghề... Tại Thủy Xuân có thể đáp ứng tốt các vấn đề này không? Kinh nghiệm qua những lần tổ chức Festival nghề truyền thống, các lễ hội, cho thấy việc giải quyết những vấn đề này chỉ mang tính đối phó, vì vậy khi hình thành khu làng nghề Thủy Xuân cần lưu ý đến cơ chế, chính sách để giải quyết.
Việc nghiên cứu thị trường cũng cần thiết được đặt ra. Mặc dù trong kết luận của UBND tỉnh, việc hình thành khu làng nghề này một phần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển, nhưng như thế đã đủ thuyết phục để xây dựng dự án này không? Việc hình thành ở đây một bộ phận chuyên về nghiên cứu bao bì, mẫu mã các sản phẩm cũng cần phải được nghĩ đến...
Minh Hiền
|