|
Đua ghe trên sông Đông Ba |
Ngoài các dinh thự, phủ đệ, ở khu đô thị cổ Gia Hội dày đặc những ngôi nhà – vườn cổ, chùa, miếu. Có các công trình kiến trúc của người Hoa như: đền Chiêu Ứng, chùa Bà, chùa Quảng Đông, chùa Triều Châu, chùa Phúc Kiến... Các công trình kiến trúc của người Việt có một số là di tích lịch sử quốc gia như: Thanh Bình Thự - nơi thờ các tổ sư nghề hát tuồng và những người có công tích đối với sân khấu tuồng trên cả nước thời nhà Nguyễn, nhà thờ tộc Kim hoàn, mai viên của cụ Đào Tấn, Thượng thư Bộ Công và là nhà soạn tuồng nổi tiếng.
Sức hấp dẫn của phố Gia Hội không chỉ là những công trình kiến trúc cổ, những địa chỉ lịch sử văn hóa của Huế xưa, mà bây giờ ở đây còn có xóm nghệ nhân thả diều ở đường Mạc Đỉnh Chi, có tư thất của bác sĩ Nguyễn Văn Cường ở đường Chi Lăng gắn với bộ sưu tập tiền cổ nổi tiếng. Có những tàng cổ thư với ba địa chỉ tiêu biểu: Bộ sưu tập sách của nhà Huế học Phan Thuận An ở Phủ thờ Ngọc Sơn công chúa; của nhà nghiên cứu Vĩnh Cao ở đường Tô Hiến Thành, và của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan ở đường Cao Bá Quát... Năm 2001, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế lập một dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh. Theo đó khu phố cổ được chỉnh trang, tổ chức một số loại hình dịch vụ văn hóa, ẩm thực đặc trưng của phố cổ. Trên cơ sở đó tổ chức những tour tham quan, khuyến khích Nhân dân đầu tư vào các dịch vụ phố cổ, cùng Nhà nước làm du lịch. Chương trình Festival Huế 2002, 2004 có tour tham quan khu phố cổ Gia Hội. Nhưng rồi không hiểu vì sao lại tuột mất cơ hội cho phố cổ Gia Hội hồi sinh, phát triển?
Tiềm năng phố cổ Gia Hội chưa được đánh thức là trăn trở của giới nghiên cứu văn hóa, cũng như của chính quyền TP. Huế. Nhiều người mong muốn phục hưng phố cổ, đưa phố cổ Gia Hội trở lại vị thế hưng thịnh như cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Biến phố Gia Hội thành một bảo tàng về một phố thị cổ phồn thịnh. Và mục tiêu cuối cùng là nhằm nâng cao đời sống của cư dân phố cổ, ổn định cuộc sống lâu dài của từng hộ gia đình.
Có thể nói đó cũng là một “giấc mơ Huế”. Để giấc mơ trở thành hiện thực cần phải có nhiều tác động tích cực đến phố cổ, với một dự án lớn, có kịch bản hoàn chỉnh, và có tổng đạo diễn giỏi. Dĩ nhiên, muốn phát huy tốt các giá trị của phố cổ thì công việc đầu tiên là phải có vai trò của các nhà quy hoạch và quản lý đô thị. Để tổ chức tốt các dịch vụ thì nhà ở của cộng đồng dân cư phố cổ cần có các mô hình kiến trúc thích hợp cho một gia đình có ba thế hệ. Có mô hình nhà vừa ở vừa làm dịch vụ vừa sản xuất hàng mỹ nghệ, hàng lưu niệm - như làm lồng đèn, làm hoa giấy, xưởng vẽ tranh, đóng giày dép, làm phấn nụ, nấu kẹo mè xửng… Khôi phục các bến thuyền; cải tạo và tạo ra các không gian làm sân chơi, khuôn viên cây xanh, địa điểm sinh hoạt cộng đồng; chỉnh trang những ngôi nhà kiến trúc hiện đại, đáp ứng mục tiên bảo tồn hình thái phố thị cổ.
Bước tiếp theo là tổ chức các dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch nhằm thổi hồn vào phố cổ và nâng cao đời sống của cư dân phố cổ theo nguyên lý bảo tồn để phát triển. Theo đó, khôi phục các sinh hoạt lễ hội dân gian, nếp sống vương phủ, tổ chức các cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống, cơ cấu tổ chức hệ thống nhà hàng thích hợp có thể đáp ứng các nhu cầu mua sắm của du khách đến Huế... Các cơ sở dịch vụ, các sản phẩm du lịch cần tuân thủ nguyên tắc: CỦA DÂN PHỐ CỔ, DO DÂN PHỐ CỔ. Khuyến khích, và có chính sách, để người dân phố cổ phát huy nội lực tối đa, hoặc liên kết, tổ chức sản xuất, tổ chức dịch vụ, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng bằng những chích sách thích hợp nhất như: Truyền thông, quảng cáo - giới thiệu sản phẩm, xây dựng các tour khám phá phố cổ...
Nhà nước đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng. Mở rộng lề đường Bạch Đằng ra bờ sông, tương tự như đường gỗ lim ở bờ Nam sông Hương. Làm đẹp, tôn vinh giá trị của sông Hương. Quy hoạch các bãi giữ xe và phân luồng giao thông giờ cao điểm. Có các công trình chuyển tiếp giữa khu phố cổ với khu vực đệm bằng các giải pháp liên thông với đường Trịnh Công Sơn và công viên Trịnh Công Sơn. Xây dựng một số điểm vui chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng ở đường Trịnh Công Sơn để nới “vòng kim cô” cho khu phố cổ…
Đã có nhiều bài viết về phố cổ Gia Hội nhưng chỉ mới ở giác độ nghiên cứu về tiềm năng văn hóa của Huế, tác giả là các nhà khoa học xã hội và nhân văn cao niên. Đề xuất này nhằm mục đích biến các giá trị của phố cổ Gia Hội thành sản phẩm dịch vụ - du lịch, trên cơ sở đó từng bước phục hưng phố cổ.