ClockThứ Bảy, 08/06/2019 06:45

Phát triển điện mặt trời mái nhà

TTH - Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là nguồn năng lượng tái tạo giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tiền điện và có thể bán phần điện dư không sử dụng hết.

Phát triển điện mặt trời trên trên mái nhà

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho khách hàng

Tiết kiệm, ổn định nguồn điện

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tháng 5/2017, ông Lê Đình Rin ở Lô B6 Nguyễn Duy Trinh, phường An Đông (TP. Huế) triển khai lắp đặt hệ thống ĐMTMN.

Ông Rin cho biết, trước đây mỗi tháng gia đình sử dụng từ 800.000 - 1.200.000 đồng tiền điện, từ khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, số tiền điện hằng tháng giảm từ 50-80%. Gia đình ông còn có nguồn thu từ việc bán phần điện dôi dư không sử dụng hết.

Theo ông Rin, nguyên lý hoạt động của hệ thống ĐMTMN khá đơn giản, trong đó năng lượng mặt trời được hấp thụ bởi tấm pin và chuyển hóa thành nguồn điện 1 chiều, inveter chuyển dòng điện 1 chiều từ hệ thống tấm pin sang dòng điện xoay chiều để sử dụng, năng lượng điện sinh ra từ hệ thống ĐMTMN và năng lượng thừa không sử dụng hết sẽ được phát ngược lên lưới điện. Sử dụng ĐMTMN không những tiết kiệm tiền điện khi giá điện đang tăng, mà nguồn điện trong nhà luôn ổn định.

Là một trong những khách hàng sử dụng điện với số lượng lớn, tháng 10/2018 bà Dương Nguyễn Bảo Ngân ở Khu A- Khu Đô thị mới An Vân Dương, phường Xuân Phú đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Sau 8 tháng sử dụng, tháng 5/2019, PC Thừa Thiên Huế đã hoàn tất việc thanh toán tiền mua điện từ dự án của hộ bà Ngân với tổng lượng điện bán ra cho ngành điện là 2.207 kWh, số tiền hơn 4,6 triệu đồng.

Kiểm tra hệ thống điện mặt trời mái nhà sau khi lắp đặt

Từ năm 2018 đến nay, PC Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các ý nghĩa, tiện ích, hiệu quả của việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN, tìm kiếm và vận động khách hàng lắp đặt. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ trong việc phát triển nguồn năng lượng xanh, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế cũng như nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của người dân.

10 hộ lắp đặt ĐMTMN

Trong tháng 5/2019, có thêm 6 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN, trong đó có 5 khách hàng ở địa bàn TP. Huế và 1 khách hàng ở huyện miền núi A Lưới, nâng tổng số khách hàng lắp đặt lên 10 hộ với công suất 27kWp, lượng điện năng “dư” phát lên lưới từ dự án của các hộ dân bình quân xấp xỉ 400kWh/tháng, tương đương hơn 850.000 đồng chi phí bán điện cho ngành điện. Đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển ĐMTMN tại Thừa Thiên Huế, một trong những địa phương có số giờ nắng và bức xạ năng lượng mặt trời cao so với cả nước.

Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đại Phúc cho rằng, chủ trương của công ty là tiếp tục thúc đẩy phát triển ĐMTMN, trong đó khuyến khích các hộ gia đình, DN, nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư hệ thống ĐMTMN đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như góp phần chung tay cùng ngành điện tiên phong, tích cực hưởng ứng chủ trương sử dụng năng lượng tái tạo. Công ty tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, trong thời gian nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu cùa nhà đầu tư, người dân trong kiểm tra kỹ thuật hệ thống, đấu nối lưới điện, lắp đặt công tơ 2 chiều miễn phí, lập thủ tục hợp đồng mua bán điện mặt trời và các thủ tục thanh toán khác.

Theo đó, đối với điện mặt trời dành cho hộ gia đình, công suất lắp đặt từ 1,5- 8kWp, suất đầu tư từ 21- 26 triệu/kWp, trong đó trung bình 1 kWp tạo ra được 4,88kWh/ngày nên sẽ tiết kiệm lượng điện tiêu thụ hằng tháng và có nguồn thu từ việc phát ngược điện trên lưới, thời gian thu hồi vốn từ 8-10 năm. Đối với DN, công suất lắp đặt từ 30-100kWp, suất đầu tư từ 21-26 triệu/kWp, trung bình 1kWp tạo ra được 4,88kWh/ngày nên sẽ giảm tải điện năng tiêu thụ vào giờ cao điểm, thời gian thu hồi vốn từ 7-9 năm.

Theo ông Phúc, do chi phí đầu tư ban đầu khá cao, từ 20-50 triệu đồng/công trình nên khách hàng chưa mặn mà trong việc lắp đặt ĐMTMN. Thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người dân lắp đặt ĐMTMN, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp thi công, lắp đặt nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN trên địa bàn tỉnh.

Cùng với hệ thống điện mặt trời ở các hộ gia đình, tháng 10/2018, Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền do Công ty CP Điện Gia Lai làm chủ đầu tư chính thức đưa vào vận hành với công suất 35 MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tại xã Điền Lộc (Phong Điền). Tại đây, 145.560 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, mang lại hiệu suất cao. Các tấm pin này sẽ hấp thụ bức xạ của ánh nắng mặt trời và chuyển đổi thành điện năng hòa vào hệ thống tải điện. Hiện, mỗi tháng nhà máy phát điện với sản lượng 5 triệu kWh và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo quy định về giá mua, bán điện của dự án ĐMTMN của Bộ Công thương, giá mua điện đối với các dự án ĐMTMN được tính như sau: đối với thời gian phát điện của dự án trước 1/1/2018, giá điện mua vào là 2.086đ/kWh, từ 1/1/2018 - 31/12/2018 giá 2.096đ/kWh và từ 1/1/2019 - 31/12/2019 giá 2.134đ/kWh.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top