Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư
Đứng tại thời điểm năm 2020 nhìn về năm 2015, nền kinh tế Thừa Thiên Huế có bước phát triển đáng kể. Quy mô nền kinh tế tăng đến 1,6 lần. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,5%/năm. Nếu không gặp phải những bất lợi như năm 2020, tốc độ có thể còn tăng trưởng cao hơn. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ năm 2016 – 2020 đạt tốc độ tăng bình quân 11%/năm, con số tuyệt đối là 105.180 tỷ đồng. Riêng thu nhập bình quân đầu người đạt 2.169 USD, đứng thứ 3 trong các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung.
Những số liệu này cho thấy, về cơ bản, Thừa Thiên Huế đạt được những thành tựu quan trọng trên cả hai lĩnh vực kinh tế - xã hội. Có một điểm rất đáng chú ý trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, đó là sự đầu tư phát triển khá đồng đều giữa các vùng.
Trong một giai đoạn phát triển nào đó, có khi, không ít Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển những vùng động lực, mà thường là tập trung một nguồn lực mạnh phát triển vùng đô thị. Tức là những vùng có “sức bật” lớn, từ đó lan tỏa ra cả nền kinh tế. Nếu chọn hướng ưu tiên này thì có những vùng, trong giai đoạn này sẽ chịu thiệt thòi, mà thường là vùng nông thôn.
Đảng bộ và Chính quyền Thừa Thiên Huế chọn hướng huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đồng đều giữa các vùng. Tại Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đánh giá một cách khái quát về điều này: "Ở khu vực đô thị tập trung đầu tư phát triển đô thị Huế, các huyện, thị xã, từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng và xã hội; ở vùng đồng bằng, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối, quan tâm xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư bằng việc phát triển các khu và cụm công nghiệp; vùng ven biển và đầm phá lồng ghép nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế du lịch và kinh tế biển nói chung".
Thực tế, vùng này đã thu hút được nhiều dự án lớn về du lịch đầu tư; vùng gò đồi, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã xuất hiện những lĩnh vực kinh tế tạo ra giá trị cao hơn như kinh tế rừng, kinh tế từ các cây trồng công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, phát triển chăn nuôi… Phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường.
Phát triển trên diện rộng sẽ bị phân tán nguồn lực hơn là phát triển những điểm mang tính tạo động lực lan tỏa. Nhưng chínhh vì vậy, nếu chọn hướng phát triển đồng đều giữa các vùng sẽ mang tính xã hội, tính nhân văn cao hơn. Và ở một mức độ nào đó, Thừa Thiên Huế cũng đã khai thác khá tốt tiềm năng thế mạnh của từng vùng. Chăm lo phát triển đô thị nhưng cũng “không quên” tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn. Chúng ta thấy rõ nhất là ở các chương trình: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển... Các chương trình này với hàng chục tiêu chí về nâng cao kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn và chất lượng đời sống của người dân. Ví dụ như chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân đạt được những con số ấn tượng.
Ở nhiều vùng ven biển và đầm phá nhờ kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng mà giờ đây thu hút được nhiều dự án phát triển du lịch, phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Hay như các khu và cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng ở các huyện đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân và cũng tạo ra nhiều động lực cho phát triển kinh tế…
Trong 5 năm tới, mục tiêu phát triển hài hòa giữa các vùng vẫn được Đảng bộ tỉnh đặt ra và theo đuổi. Chúng ta biết rằng, quy mô của nền kinh tế bây giờ đã khác với năm năm trước – "miếng bánh kinh tế" đã lớn hơn. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được như kế hoạch đề ra là từ 7,5 – 8,5%/ năm thì đến năm 2025, "miếng bánh kinh tế" sẽ to hơn. Khi ấy chẳng những vùng đô thị phát triển mà chúng ta cũng có điều kiện hơn để phát triển vùng nông thôn. Ngay định hướng tăng trưởng xanh và bền vững ở vùng nông thôn, ven biển và đầm phá, rất có thể trong tương lai nó sẽ tạo ra một sức hút để hình thành nên một “cực khác” của phát triển kinh tế. Như vậy chúng ta thấy, phát triển đồng đều giữa các vùng không những mang tính nhân văn sâu sắc mà nó còn có ý nghĩa kinh tế - khai thác tốt tiềm năng thế mạnh mà chúng ta có.
Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: BẢO CHÂU