Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có sự tham gia của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành và doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn.
Doanh nghiệp dệt may chịu tác động mạnh từ COVID-19
Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp
Hội nghị tập trung đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động SXKD của cộng đồng DN. Tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ DN ứng phó với dịch COVID-19, duy trì hoạt động SXKD thời gian qua. Các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Tại Thừa Thiên Huế, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực. Các ngành hoạt động SXKD của các DN đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Dự ước thiệt hại 4 tháng đầu năm khoảng 6.500 tỷ đồng, trong đó, DN thiệt hại dưới 30% doanh thu là 1.347 DN; DN thiệt hại từ 30% - 70% doanh thu là 2.115 DN; số DN thiệt hại trên 70% doanh thu là 793 DN.
Hoạt động hỗ trợ DN cũng được triển khai trên cơ sở thực hiện nghiêm Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Hiện có 254 khách hàng (gồm 50 DN) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ được cơ cấu là 432,7 tỷ đồng; 673 khách hàng (gồm 258 DN) được miễn, giảm lãi với dư nợ được miễn, giảm là 1.692 tỷ đồng; 258 khách hàng (gồm 111 DN) được cho vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay lũy kế từ 23/1/2020 là 1.063,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 332 khách hàng (gồm 50 DN) đang được các chi nhánh ngân hàng thương mại trình cấp có thẩm quyền xem xét cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi và cho vay mới với dư nợ 921,3 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các DN. Các DN điện, nước cũng đã triển khai miễn, giảm giá điện, nước trên địa bàn nhằm hỗ trợ người dân, DN.
Ngoài ra, tỉnh đã tạm cấp 173 tỷ đồng (đợt 1) từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã và thành phố Huế để bổ sung kinh phí thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Trước mắt, ưu tiên chi trả cho nhóm 4 đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 đáp ứng các điều kiện theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Chủ động thích nghi
Tại hội nghị, đại diện bộ, ngành, hiệp hội, DN đánh giá cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ và những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đối với DN, người dân bị tác động bởi dịch và các giải pháp quyết liệt trong chống dịch.
Ngành ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Đại diện một số hiệp hội DN cho rằng hầu hết các chính sách, biện pháp hỗ trợ DN chủ yếu là hoãn, giãn tiến độ nộp các khoản nghĩa vụ như thuế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng… Các biện pháp miễn, giảm các khoản phải nộp hầu như chưa có nên DN vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời đề nghị cộng đồng DN, bên cạnh những biện pháp cấp bách là cắt giảm chi phí cần chú trọng khai thác thị trường trong nước; tăng cường liên kết các hiệp hội DN để thúc đẩy phát triển thị trường nội bộ trong các hiệp hội và cộng đồng DN; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực. Đồng thời triển khai những biện pháp dài hạn như thực hiện tái cấu trúc DN; chuyển đổi số; tìm kiếm các mô hình và phương thức kinh doanh mới; quản trị DN theo hướng phát triển bền vững; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường, chuỗi cung ứng mới.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, đại dịch COVID-19 đã và sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì thế điều quan trọng nhất hiện nay là biến những rủi ro về dịch bệnh thành cơ hội để bứt phá khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội hậu dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DN không trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà phải chủ động thích ứng với hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh. Trước mắt, DN cần thay đổi phương thức hình thức kinh doanh phù hợp, tập trung nâng cao năng lực áp dụng KHCN, KHKT vào sản xuất bắt kịp xu hướng 4.0, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.
Về phía các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN thông qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài để phát triển kinh tế- xã hội nhanh bền vững.
Bài, ảnh: Hoàng Loan