ClockThứ Hai, 26/07/2021 14:28

Phục hồi giống nếp than ở Phong Mỹ

TTH - Đưa vào sản xuất trở lại từ năm 2019 tại 2 bản Khe Trăn, Hạ Long (Phong Mỹ), sản phẩm nếp than đã khẳng định giá trị, góp phần làm phong phú, đa dạng sản phẩm phục vụ du lịch, nâng cao đời sống người dân…

Bánh tét nếp than – sự biến tấu cho ẩm thực ngày tếtThơm lừng cơm lam nếp than của núi rừngHạt nếp lưng chừng núi

Chăm chút nếp than trước khi chế biến

Sản phẩm truyền thống

Theo lời kể của các già làng thuộc 2 bản Khe Trăn và Hạ Long, nếp than đã được bà con sản xuất từ xa xưa. Trước đây, đồng bào hay đốt rừng làm rẫy để trồng nếp than và lúa Ra dư, “tự cung tự cấp”, phục vụ cho cuộc sống gia đình. Khu vực trồng chủ yếu trên vùng Khe Cát (phía trên đập hồ Quao bây giờ). Từ năm 1988, thực hiện chủ trương của Nhà nước về xây dựng đập hồ Quao, bà con sinh sống ở vùng Khe Cát chuyển về định cư tại 2 bản Khe Trăn và Hạ Long bây giờ và vẫn tiếp tục trồng nếp than, lúa Ra dư. Đây là sản phẩm truyền thống lâu đời của bà con vùng dân tộc Phong Mỹ.

Năm 1995, khi đập hồ Quao đưa vào sử dụng, nước được đưa về đồng ruộng; từ đó, người dân 2 bản chỉ trồng lúa nước, nếp than và lúa Ra dư mai một dần. Năm 2019, được sự hỗ trợ về giống nếp than của chị Trần Thị Diệu Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phong Mỹ, 3 hộ dân thuộc 2 bản Khe Trăn và Hạ Long bắt đầu phục hồi việc sản xuất nếp than.

Sau khi được hỗ trợ về giống, 3 hộ sản xuất nếp than được UBND xã Phong Mỹ hỗ trợ về phân bón, Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Theo đó, 5 sào nếp than được hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ráo (bản Khe Trăn) trồng trên vùng đất khô tại vườn nhà. 5 sào còn lại do 2 hộ dân bản Hạ Long trồng tại đồng Cây Khế trên vùng lúa nước.

Ông Lê Văn Lục, Trưởng bản Hạ Long và cũng là người tham gia trồng 2,5 sào nếp than cho biết, so với trồng ở vùng đồng khô và đồng nước thì nếp than ở vùng đồng nước cho năng suất cao hơn, với năng suất là 1,7 tạ/sào và 1,5 tạ/sào. So với cây lúa nước thì nếp than có năng suất thấp hơn, nhưng giá trị cao hơn gấp 3 lần (giá 30 ngàn đồng/kg). Sản lượng trồng ra đều được người dân thu mua hết để làm sản phẩm phục vụ du lịch. Người dân trong bản mong muốn, huyện, xã quan tâm hỗ trợ giống, kỹ thuật để phát triển thêm diện tích nếp than từ 1ha trở lên, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất cũng như thu hoạch.

Sẽ nhân rộng mô hình

Theo người dân và du khách, nếp than thơm, dẻo, ngon hơn so với nếp thường. Công trồng lúa nước và nếp than ngang nhau. Tuy nhiên, cây nếp than kháng được sâu bệnh. Trước đây, sản phẩm nếp than làm ra dùng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc bản Khe Trăn và Hạ Long, như: cưới, hỏi… ngày nay, nếp than còn là sản phẩm “độc” của người dân tộc trong phục vụ du lịch.

Chị Lê Thị Na, bản Hạ Long cho rằng, sản phẩm nếp than là sản phẩm “riêng có” của đồng bào dân tộc. Sản phẩm người dân trong 2 bản làm ra, chị đều thu mua hết với giá từ 30 đến 50 ngàn đồng/kg, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho các điểm du lịch (chưa nói đến việc phục vụ các lễ hội). Để có thêm sản phẩm, chị phải lên A Lưới, qua Lao Bảo (Quảng Trị) để thu mua thêm, rất mất công cũng như giá có thể cao hơn.

Với sản phẩm nếp than được ăn cùng gà thảo dược do người địa phương làm ra rất hợp, góp phần “níu khách quay lại” với Phong Mỹ, với các điểm tắm suối ở 2 bản Hạ Long và Khe Trăn.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, nhằm đa dạng hóa sản phẩm đặc sản của địa phương, phục vụ du lịch, thời gian tới, UBND sẽ mời chuyên gia mở lớp tập huấn về trồng, chăm sóc nếp than cho các hộ dân 2 bản Khe Trăn và Hạ Long. Ngoài ra tìm nguồn kinh phí, kêu gọi huyện hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, nhằm nhân rộng mô hình trồng nếp than lên khoảng 1,5 đến 2ha. Vận động bà con 2 bản đâm giã nếp than bằng tay để giữ màu sắc đặc trưng, bắt mắt khi chế biến. Ngoài ra, khuyến khích bà con bản nuôi gà thảo dược, ủ rượu cần và nuôi ong lấy mật… để đa dạng hóa sản phẩm, nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách, góp phần phát triển du lịch của địa phương, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và người dân địa phương nói chung.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi

Suy thoái kinh tế được nhận định là một thách thức to lớn và thường xuyên xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Từ cuộc đại suy thoái đến đại dịch COVID-19 gần đây, các quốc gia đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khi định hình lại các cấu trúc và đòi hỏi phải can thiệp chính sách chiến lược.

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi
Rác thải tràn lan ở các khu dân cư

TP. Huế ngày càng xanh - sạch - sáng trên từng xóm phố, nẻo đường. Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu quy hoạch (KQH), khu dân cư (KDC) mới vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Rác thải tràn lan ở các khu dân cư
Return to top