Các ngân hàng tăng cường thu hút vốn nhàn rỗi
Vốn nhàn rỗi trở lại ngân hàng
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh trong quý I, nguồn vốn huy động tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn huy động tại các TCTD trên địa bàn đạt 57.317 tỷ đồng, tăng 3,05% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,01%).
Tiền gửi tiết kiệm dân cư được chú trọng thu hút, cải thiện mức tăng trở lại sau thời gian ít tăng trưởng trong năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất ở loại hình tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng, tăng 2,1% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 45% trong tổng vốn huy động.
Vốn huy động tăng phần nào chứng minh, ngân hàng hiện vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn. Nhờ có nguồn tiền này mà các ngân hàng có điều kiện để cho vay đối với nền kinh tế.
Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh lý giải, nguyên nhân của tăng trưởng này một phần đến từ chính sách huy động của các TCTD đã điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn ngay từ đầu năm để thu hút tiền nhàn rỗi. Các chính sách quản lý và điều tiết liên quan các lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu... cũng tác động không nhỏ đến việc đầu tư dòng tiền của người dân.
Vốn nhàn rỗi đang trở lại ngân hàng
Một khảo sát cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 0,3%-0,7% nên nguồn tiền nhàn rỗi của người dân đã quay trở lại hệ thống ngân hàng. Lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của NHTM ở mức 0,1 đến 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 đến 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Với các kỳ hạn khác, lãi suất đang ở mức khoảng 4,2 đến 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,3 đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1 đến 6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Trong đó, lãi suất huy động tại NamABank với nhiều kỳ hạn và có mức điều chỉnh cao nhất tới 0,3%/năm. Một số ngân hàng khác như Bắc Á, Quốc tế, Đông Á cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% đến 0,2%/năm...
Tín dụng tăng trưởng hơn 5%
Vốn huy động tăng là tiền đề quan trọng để các TCTD đầu tư cho vay khôi phục và phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn này, công tác đầu tư tín dụng trong những tháng đầu năm tiếp tục có mức tăng trưởng tốt. Tổng dư nợ tín dụng tại các TCTD trên địa bàn đạt 66.633 tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2021, đạt 37,8% kế hoạch đề ra. Mức tăng trưởng này hiện đang cao hơn cùng kỳ năm trước là 3,26%. Tín dụng tăng trưởng được xem là động lực thúc đẩy nền kinh tế, và là minh chứng rõ nét cho những đầu tư của người dân, DN trong hoạt động SXKD.
Theo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, nguồn vốn tín dụng tập trung vào hoạt động SXKD và các lĩnh vực ưu tiên đã hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt gần 12.395 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,6% tổng dư nợ tín dụng, tăng 3,58% so với đầu năm. Tín dụng đối với khu vực DN nhỏ và vừa cũng tăng trưởng 1,84% với 13.218 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,8%. Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng tăng 2,6% với 676 tỷ đồng. Riêng tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu có xu hướng giảm so với đầu năm với mức giảm 2,48% .
Hoạt động tín dụng chính sách cũng có những tăng trưởng đáng ghi nhận. Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đến đạt 3.322 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm. Ngân sách CSXH Việt Nam cũng đã bổ sung vốn cho vay theo Nghị quyết 11; đây là cú hích không nhỏ cho các đối tượng chính sách khôi phục và phát triển kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng thời gian qua tập trung tăng chủ yếu ở khách hàng vay là hộ kinh doanh, cá thể (tăng 9,1% so đầu năm, chiếm tỷ trọng 60,3% tổng dư nợ), tín dụng đối với khối khách hàng DN có mức tăng trưởng chưa cao (tăng 0,04%). Điều này cho thấy công tác đầu tư tín dụng đối với DN tại các TCTD trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn.
Các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tín dụng nhằm hỗ trợ người dân và DN; thực hiện tích cực giải pháp giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của NHNN là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những tháng tiếp theo. NHNN sẽ phối hợp với các TCTD trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tín dụng ngân hàng trong thẩm quyền xử lý đối với các đề xuất, kiến nghị của khách hàng vay và các hiệp hội trên địa bàn nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, DN trong phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Hoàng Loan