Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hiện nay, nhiều địa phương phát triển ồ ạt CTCL mà chưa tính đến thị trường đầu ra, chế biến… Thừa Thiên Huế có ghi nhận tình trạng này?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tình trạng phát triển đại trà CTCL làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số CTCL (như thanh trà) chỉ thích ứng và cho năng suất trên các loại đất bãi bồi ven sông... nên diện tích trồng cũng không quá nhiều.
Hiện, diện tích trồng bưởi, thanh trà Thủy Biều (TP. Huế) khoảng 642 ha (diện tích trồng mới 22 ha), trong đó khoảng 28,7ha được chứng nhận VietGAP. Rau má tập trung chủ yếu tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) với diện tích khoảng 60ha, trong đó khoảng 50ha chứng nhận VietGAP. Vụ đông xuân 2020-2021, nhóm giống lúa chất lượng cao như HT1, BT7, J02, HN6,... đạt gần 11.150 ha, chiếm 39,1% diện tích toàn tỉnh; cây sen khoảng 544 ha, tăng 50 ha so với năm 2019.
Có thể thấy nhóm CTCL ở Thừa Thiên Huế chưa đa dạng và diện tích còn khiêm tốn, ngành đã có những định hướng và giải pháp gì để tái cơ cấu cây trồng nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho địa phương?
CTCL có vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn mang lại giá trị kinh tế cao có thể kể đến như thanh trà ở TP. Huế, Phong Điền; cây sen ở Phú Vang, Hương Trà.
Phát triển diện tích trồng sen, cây trồng chủ lực ở Phong Điền
Nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi diện tích đất dốc đồi, vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Kết quả bước đầu thu được tương đối khả quan, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn các địa phương được nâng cao, giúp người dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
Với tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực từ cây ăn quả, cây sen, lúa gạo chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp được phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cao sẽ tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời hướng tới xuất khẩu.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Phát triển CTCL và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp có vẻ như đang gặp trở ngại?
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Diện tích các loại cây trồng trên địa bàn còn phân tán, nhỏ lẻ, diện tích canh tác bình quân trên hộ thấp nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng trọt và bảo vệ thực vật có hiệu quả hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng năng suất, chất lượng của các loại cây trồng.
Trong đó, mối liên kết giữa DN và người dân chưa thật sự chặt chẽ. Các mô hình HTX, tổ hợp tác khó tiếp cận các chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi đất đai.
Giá nông sản còn ở mức thấp trong khi giá thuê công lao động, giá các loại vật tư vẫn còn ở mức cao gây khó khăn và hạn chế trong việc đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Hiện nay, có một thực trạng là người tiêu dùng chưa tin dùng các nhãn mác (như sản phẩm hữu cơ, VietGAP…), dẫn đến đầu ra các sản phẩm này bị hạn chế.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện như tăng nồng độ, liều lượng, phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun, phun không đủ lượng nước trên đơn vị diện tích, phun thuốc trừ sâu khi chưa đến ngưỡng phun trừ nên ảnh hưởng đến sinh trưởng, đến kết quả phòng trừ, gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Ông có thể nói về những giải pháp nhằm phát triển CTCL tỉnh trong thời gian tới?
Hiện ngành cùng với các địa phương định hướng, phấn đấu đến năm 2025 ổn định diện tích vùng nguyên liệu bưởi thanh trà đạt hơn 1.000 ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 900 ha; diện tích lúa chất lượng cao đạt gần 25.000 ha; ổn định diện tích sen 745ha, trong đó sen cao sản lấy hạt khoảng 85-90% diện tích, sen địa phương (sen Huế) từ 10-15% diện tích; ổn định vùng nguyên liệu rau má khoảng 70ha.
Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng triển khai chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Về kỹ thuật, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực và đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Quan tâm hơn việc kết nối tiêu thụ nông sản nhằm tạo đầu ra ổn định cho người trồng...
Xin cảm ơn ông!
HÀ NGUYÊN (Thực hiện)