ClockThứ Tư, 11/03/2020 06:45

Sàn thương mại kinh tế hợp tác: Cơ hội mới cho kinh tế hợp tác

TTH - Sàn thương mại kinh tế hợp tác (TMKTHT) ra đời tạo cơ hội cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, hiệu quả.

Hình thành chuỗi đặc sản thương hiệuHướng đến phát triển nông nghiệp quy mô lớn, an toàn, bền vững

Tham quan phòng trưng bày sản phẩm kinh tế hợp tác

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 7/3, HTX Công nghệ thông tin (HueTechCo-op) chính thức khai trương hoạt động Sàn TMKTHT theo chủ trương, yêu cầu của tỉnh, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển sau 10 năm thành lập HueTechCo-op.

Hiện, HueTechCo-op có trên 300 thành viên với trên 30 sản phẩm đã “hiện diện” trên toàn quốc và thế giới. HueTechCo-op còn nhận được sự tín nhiệm của các tổ chức phi chính phủ, như Agriterra, AgriCord, WWF, ADB, USAID, ECODIT, FFD, IFAD...; làm dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin cho UBND các tỉnh (Quảng Trị, Nghệ An, Hải Dương…) và một số cơ quan Trung ương. Giờ đây, HueTechCo-op còn được UBND TP. Huế tin tưởng bổ sung thêm nội dung hoạt động Sàn TMKTHT.

“Chúng tôi có thể lạc quan và tin tưởng rằng, các thế hệ của HueTechCo-op sẽ tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, tiếp tục phát triển theo mục tiêu mà HTX đã chọn. Nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để quản lý, vận hành Sàn TMKTHT ngày càng hiệu quả”, Giám đốc HueTechCo-op, ông Hoàng Thanh Long tự tin.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn thông tin, phát triển KTHT, HTX là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán, xuyên suốt qua các thời kỳ. Từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành đã thể hiện tư duy đổi mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

Toàn tỉnh hiện có gần 290 HTX và trên 500 THT trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động trên địa bàn tỉnh. Khu vực KTHT, HTX tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế tỉnh nhà.

Tuy nhiên, theo ông Doãn, KTHT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Mặc dù các HTX sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng hầu hết lại không biết nhu cầu thị trường là gì; năng suất sản phẩm tăng liên tục nhưng thu nhập tăng ở mức thấp; giá đầu vào cao nhưng giá đầu ra thấp. Yêu cầu thị trường sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ, nhưng nhiều HTX chưa làm được; người dân đang làm ra cái mình có, chứ chưa làm được cái thị trường cần chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhiều HTX và cơ sở sản xuất chưa đủ nguồn nhân lực và tài chính để đầu tư tham gia các chương trình xúc tiến thương mại lớn; theo chuỗi từ phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ...

Trước yêu cầu mới, Liên minh HTX tỉnh đã đề xuất và được UBND tỉnh thống nhất, đồng thời hỗ trợ nguồn lực thực hiện xây dựng Sàn TMKTHT và phòng trưng bày, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho HTX và các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh. Sàn TMKTHT là một hình thức thương mại điện tử nhằm giúp các HTX, THT, hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thông qua sàn.

Sàn TMKTHT là nơi diễn ra các hoạt động mua bán trực tuyến của nhiều tổ chức, cá nhân trên cùng một website. Thông qua Sàn TMKTHT, các HTX, THT, hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh tế có thể dễ dàng quảng bá thông tin và tiếp thị sản phẩm, hàng hóa của mình đến khắp mọi nơi trên thế giới với chi phí thấp. Các HTX, THT, hộ sản xuất, doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin, bảng báo giá… chi tiết cho khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện; việc mua hàng thông qua sàn trở nên dễ dàng, tiện ích và phổ biến hơn rất nhiều.

Trong thời đại số ngày nay, đối với người tiêu dùng, Sàn TMKTHT mở rộng khả năng lựa họn hàng hóa, dịch vụ, giúp khách hàng không còn giới hạn về địa lý hay thời gian làm việc. Họ có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi, có thể lựa chọn giữa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà cung cấp giữa các vùng miền khác nhau.

Đối với xã hội, Sàn TMKTHT sẽ tạo ra một phương thức kinh doanh và làm việc mới phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại; tạo ra sân chơi mới cho các HTX và doanh nghiệp, buộc họ phải đổi mới, sáng tạo để đưa ra chiến lược kinh doanh và dịch vụ riêng cho sản phẩm dịch vụ; từ đó góp phần phát triển cho các HTX, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế tổng thể nói chung.

Để quản lý và đưa Sàn TMKTHT đi vào hoạt động có hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh giao HueTechCo-op đảm nhận vận hành và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho HTX và các tổ chức kinh tế trong việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả; đồng thời giúp người dân tiếp cận với hình thức mua sắm văn minh, hiện đại và tiện ích. Thông qua hoạt động của Sàn TMKTHT còn đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường và theo hướng chuỗi giá trị mang tính bền vững.

Bài, ảnh: Triều - Cường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top