ClockThứ Bảy, 23/01/2021 22:05

“Săn tìm” động vật hoang dã quý hiếm

TTH - 30 máy bẫy ảnh được cài đặt trên thực địa từ tháng 6 /2020 đến cuối năm 2020, trải đều trên tiểu khu 74, xã Phong Xuân. Trung bình mỗi máy bẫy ảnh hoạt động khoảng 66 ngày liên tục đã ghi nhận (chụp) được các hình ảnh động vật hoang dã (ĐVHD) trong Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền.

Bảo tồn "Hầu vương"

Tuần tra rừng

Có đến 28 loài

Khu vực nghiên cứu, tìm kiếm nằm ở khu vực vùng lõi của Khu BTTN Phong Điền thuộc địa phận xã Phong Xuân. Các điểm đặt bẫy ảnh đều tập trung ở thượng nguồn của các con suối, cách tuyến đường 71 hơn 1km.

Tại khu vực đặt bẫy ảnh tìm kiếm thú rừng vẫn còn dấu vết của thời chiến tranh để lại như đường 71, các hầm hào công sự...với sinh cảnh là các loài cây lá nón, song mây, tre nứa dưới tán rừng. Hệ thống khe suối dày đặc như khe Lu, khe Rào Trăng, khe Ta Nor, khe Pa Pưng… Nơi đây đã ghi nhận sự tồn tại, sinh trưởng của nhiều loài ĐVHD, trong đó có một số loài quý hiếm, nguy cấp.

Đặt bẫy ảnh

Các loài thú ghi nhận qua máy bẫy ảnh cũng rất phong phú, đa dạng, có đến 28 loài, trong đó có các loài linh trưởng là khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), cùng với hai loài thú móng guốc lợn rừng (Sus scrofa), sơn dương Đông Dương (Capricornis milneedwardsii maritimus). Có hai loài được xếp hạng sắp nguy cấp (VU) trong Danh lục Đỏ IUCN là khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides); sơn dương Đông Dương (Capricornis milneedwardsii maritimus); có một loài được xếp cấp DD (thiếu dẫn liệu) là thỏ vằn Trường Sơn  (Nesolagus timminsi).

Giám đốc Khu BTTN Phong Điền, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, qua khảo sát thực tế, thông qua máy bẫy ảnh cho thấy, sơn dương Đông Dương, hay còn gọi dê rừng với số lượng ngày càng suy giảm do nạn săn bắt, môi trường sống bị thu hẹp và chia cắt. Loài này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thuộc diện quý hiếm nguy cấp, được xếp vào cấp VU tại Danh lục Đỏ IUCN. Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi) là loài đặc hữu, chỉ có ở vùng dãy Trường Sơn, đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng...

Khỉ mặt đỏ được ghi nhận từ bẫy ảnh

Năm vừa qua, Khu BTTN Phong Điền tiếp nhận, phối hợp cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên một cá thể khỉ đuôi dài – Macaca fascicularis. Đơn vị tổ chức nhiều đợt giám sát đa dạng sinh thái (ĐDSH) bằng phương pháp đặt bẫy ảnh; hợp tác với tổ chức WWF tại Huế tiến hành 4 đợt đặt bẫy ảnh giám sát các loài chủ chốt tại khu bảo tồn, kết hợp tuần tra rừng. Kết quả đã ghi nhận 18 loài động vật rừng và 12 loài chim, trong đó một loài nguy cấp, quý hiếm là tê tê.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, phạm vi khảo sát bằng bẫy ảnh đợt này tương đối hẹp, chiếm diện tích nhỏ sinh cảnh có rừng, độ cao từ 500-800m so với mực nước biển nên chưa thể phát hiện nhiều loài chim, thú. Các loài tiềm năng tại Khu BTTN Phong Điền, có tập tính kiếm ăn trên mặt đất nhưng chưa ghi nhận qua bẫy ảnh trong đợt này, gồm gà lôi lam mào trắng, cầy giông, cầy giông đốm, mang lớn, lửng lợn…

Công tác bảo tồn ĐDSH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, tình trạng khai thác rừng, săn bẫy ĐVHD vẫn còn xảy ra ở một số nơi thuộc vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn. Điều này ảnh hưởng đến sinh cảnh, môi trường sống của các loài chim, thú rừng. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có kế hoạch, hành động về bảo tồn các loài linh trưởng; kinh phí hỗ trợ thực hiện các hoạt động bảo tồn ĐDSH còn rất hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu.

Lợn rừng được ghi nhận từ bẫy ảnh

Vừa qua, lực lượng Khu BTTN Phong Điền tuần tra, phát hiện nhóm hộ bà Lê Thị Loan ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lấn chiếm 2,5 ha đất rừng tại tiểu khu 22. Đơn vị nhiều lần mời chính quyền địa phương và cơ quan liên quan giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả; do cơ quan liên quan thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị không phối hợp giải quyết dứt điểm.

Cùng thời điểm, các lực lượng phát hiện hai đối tượng chặt phá rừng trái phép là Hoàng Văn Lâu khai thác 3.946m2, khối lượng thiệt hại 32,705m3 gỗ quy tròn; Trần Duy Thành khai thác 5.109m2, khối lượng thiệt hại 42,343m3 gỗ quy tròn. Hồ sơ vi phạm đang chuyển cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và xử lý.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Khu BTTN Phong Điền đang xây dựng kế hoạch, hành động trong quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ công cụ, thường xuyên tuần tra, phát hiện, đẩy đuổi, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đơn vị tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp với lực lượng các trạm kiểm lâm, kiểm lâm cấp huyện, các lực lượng vũ trang, các xã vùng đệm có biện pháp tuyên truyền, quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp…

Năm 2020, Khu BTTN Phong Điền phát hiện và xử lý 30 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó hai vụ có chủ. Lực lượng chức năng tịch thu 15,858m3 gỗ các loại, thu giữ và tiêu hủy 429 sợi dây bẫy; phạt tiền 2,250 triệu đồng; bán lâm sản, tang vật tịch thu, nộp ngân sách nhà nước 78,450 triệu đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Tiếp nhận cá thể tê tê quý hiếm

Sáng 9/1, Phòng Thanh tra-Pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tìm thấy và tiếp cận được người dân nhằm tuyên truyền, vận động giao nộp cá thể tê tê cho cơ quan chức năng.

Tiếp nhận cá thể tê tê quý hiếm
IUCN: 25% cá nước ngọt trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng

Theo bản Sách đỏ toàn cầu về các loài nguy cấp vừa được cập nhật ngày 11/12 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), một phần tư các loài cá nước ngọt trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng và ít nhất 17% loài cá nước ngọt bị đe dọa đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều này nhấn mạnh tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với động vật hoang dã trên hành tinh.

IUCN 25 cá nước ngọt trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng
Return to top