ClockThứ Ba, 29/10/2024 13:17

Nói không với thịt thú rừng

TTH - Sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD).

Nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ lây truyền bệnh dịch sang ngườiNgăn chặn săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã: Chưa có hồi kết

 Một cá thể tê tê được giải cứu thả về rừng. Ảnh: Kiểm lâm Thừa Thiên Huế

Ẩm thực Huế thiếu gì mà phải ăn thịt rừng

Chị Nguyễn Quỳnh Như (32 tuổi, sống ở Hà Nội) đã đến Huế du lịch vài lần. Ẩm thực Huế là thứ mang lại cho cô nhiều điều mà mỗi lần đến Như đều muốn khám phá. “Ẩm thực Huế quá đa dạng, khám phá hoài không hết”, cô nhận xét.

Khi được hỏi, mỗi lần đi du lịch, Như đã từng ăn thịt rừng ở các quán xá hay không? “Không, em không dùng đến những món đó bao giờ. Em đi du lịch, ngoài việc khám phá các danh lam thắng cảnh thì ẩm thực mỗi địa phương là thứ em luôn ưu tiên hàng đầu”, cô gái đến Hà Nội bộc bạch.

Một khảo sát trong năm 2023 của WillAid thực hiện tại Thừa Thiên Huế về thực trạng tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD đối với khách du lịch chỉ ra rằng, kết quả tiếp xúc thăm dò cho thấy có 37% là khách du lịch trong nước và 29% khách du lịch nước ngoài đã từng tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm từ ĐVHD.

Báo cáo cũng chỉ ra, trong các sản phẩm từ ĐVHD được tiêu thụ, thịt ĐVHD là sản phẩm mà khách du lịch trong nước và nước ngoài thường sử dụng nhiều nhất.

Năm 2021, WWF đã thực hiện một nghiên cứu và chỉ ra, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, chứng tỏ đẳng cấp hoặc để bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn và số lần tiêu dùng thịt ĐVHD trung bình lên tới 7 lần/năm/khách hàng.

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, với hơn 51.000 loài sinh vật. Trong đó, có khoảng hơn 10.900 loài động vật trên cạn. Nhiều loài mới được ghi nhận có giá trị bảo tồn cao, khẳng định tầm quan trọng của đa dạng sinh học tại Việt Nam như sao la, mang lớn, mang Trường Sơn,… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được cho là khu vực trung chuyển, buôn bán các loài ĐVHD, tình trạng săn bắt, mua bán sử dụng trái phép sản phẩm từ ĐVHD ngày càng tăng; nhiều loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD không chỉ làm suy giảm đa dạng sinh học mà còn có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho con người.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi mọi người chung tay bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo vệ ĐHVD. “Chúng ta phải hành động, bảo vệ sự sống của các loài cũng là bảo vệ sự bình an của con người trong thời điểm hiện tại”, ông Tuấn nói.

Quần thể động vật hoang dã suy giảm thảm khốc

Chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970 đến 2020), 73% quy mô trung bình của quần thể ĐVHD được giám sát đã giảm thảm khốc. Số liệu này được Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF 2024 (Báo cáo LPR) vừa công bố.

Báo cáo này đưa ra cảnh báo, Trái đất đang tiến gần đến điểm bùng phát nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại. “Cần một nỗ lực chung, ở quy mô lớn trong 5 năm tới để giải quyết các cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và thiên nhiên”, báo cáo viết.

TS. Andrew Terry, Giám Đốc Bảo tồn và Chính sách của ZSL (Vương quốc Anh) cho rằng, chỉ số Sức sống Hành tinh nhấn mạnh sự mất mát liên tục của các quần thể loài hoang dã trên toàn cầu và sự suy yếu của sự sống trên trái đất đang đặt chúng ta vào nguy cơ vượt qua các điểm giới hạn nguy hiểm.

“Nhưng chúng ta không bị mắc kẹt trong sự mất mát này. Nếu có cơ hội, thiên nhiên có thể phục hồi. Điều chúng ta cần bây giờ là tăng cường hành động và đặt tham vọng cao hơn nữa để đạt được mục tiêu”, ông Andrew Terry nhấn mạnh.

Việt Nam có độ đa dạng sinh học rất cao. Nhưng theo ý kiến từ ông Thibault Ledecq, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF-Việt Nam, cũng giống như xu hướng trên toàn cầu, thiên nhiên Việt Nam đang suy giảm một cách nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác đã triển khai nhiều sáng kiến để ngăn chặn xu hướng này và bắt đầu phục hồi đa dạng sinh học.

“WWF là một trong những tổ chức luôn cam kết và sát cánh cùng Việt Nam triển khai các chương trình lớn nhằm quản lý đa dạng sinh học, thắt chặt quản lý các khu vực được bảo vệ, tạo tác động trên toàn bộ một cảnh quan”, ông Thibault Ledecq chia sẻ.

Chiến dịch truyền thông sáng tạo - Du lịch không thịt rừng là một trong các hoạt động thuộc Dự án “Tăng cường thực thi pháp luật và thay đổi hành vi tiêu thụ ĐVHD nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn ngừa dịch bệnh tại Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2024” do Wildaid INC (Hoa Kỳ) tài trợ thông qua Công ty TNHH Không vì lợi nhuận CHOICE. Chiến dịch được tổ chức tại TP. Huế từ ngày 19 đến 24/10/2024, với mục tiêu hướng đến việc kêu gọi khách du lịch đến TP. Huế nói riêng và cộng đồng nói chung không ăn thịt rừng và không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.

Nguyễn Đắc Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc triển lãm "Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người"

Hoạt động trên được Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và Helvetas phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức sáng 7/6 tại Nhà Thiếu nhi Huế trong khuôn khổ Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn ĐDSH” (VFBC).

Khai mạc triển lãm Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người
Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cảnh báo:
“Tác hại chưa từng thấy đối với thiên nhiên” từ nạn buôn bán động vật hoang dã

Bất chấp hai thập kỷ nỗ lực trên toàn thế giới, hơn 4.000 loài động vật hoang dã quý giá vẫn trở thành nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã hàng năm, một báo cáo mới của Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho thấy.

“Tác hại chưa từng thấy đối với thiên nhiên” từ nạn buôn bán động vật hoang dã
Return to top