ClockChủ Nhật, 29/10/2017 09:39

Sinh thái - nhân văn trong không gian Huế

TTH - Sinh thái - nhân văn là đối tượng của khoa học nghiên cứu về mối quan hệ tương hỗ giữa con người và môi trường, dựa trên nguyên tắc quan hệ đã tồn tại một cách có hệ thống, mật thiết giữa xã hội con người và hệ sinh thái thiên nhiên. Thừa Thiên Huế đang hướng tới xây dựng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường. Vậy thì các yếu tố trong sinh thái, nhân văn và những mối quan hệ của chúng như thế nào là điều mà mọi người đang quan tâm, từ đó có các hoạch định chiến lược phát triển hợp lý cho mỗi vùng sinh thái.

Hệ sinh thái biển, ven biển của Huế cũng rất phong phú, đa dạng

Một vùng đất đa dạng hệ sinh thái bậc nhất

Gần như chỉ duy nhất ở vùng đất Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ các dạng địa hình của Việt Nam từ núi cao về biển khơi: rừng núi - vùng đồi - đồng bằng - đầm phá – biển. Các hệ sinh thái này đã trực tiếp tác động đến diễn trình lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân cư trong suốt mấy nghìn năm trước đó, và trên 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế…

Hệ sinh thái biển, ven biển của Thừa Thiên Huế trải dài trên 100km, với nhiều bãi biển nổi tiếng như Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, các bãi ngang ở Quảng Điền, Phong Điền; vịnh biển có vịnh Chân Mây với nhiều huyền thoại. Sinh thái và các cộng đồng dân cư với những nghề truyền thống liên quan đến nông nghiệp, ngư nghiệp hòa trộn đã tạo nên một nền văn hóa miền duyên hải đặc trưng riêng, khác hẳn các làng xã thuần ngư hay bắt gặp ở trong nam, ngoài bắc. Một trong những nét đặc trưng khác biệt nữa là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, "tiền khai canh" thờ thần xuất thân nghề chài lưới, nhưng "hậu khai khẩn" lại thờ thần xuất thân từ nghề nông. Lễ hội thì bên cạnh cầu ngư cũng có lễ hội cầu mưa (đảo vũ)…

Huế nổi tiếng với nhiều vườn cây xanh mát

Hệ sinh thái đầm phá gần như khác biệt nhất bởi Thừa Thiên Huế có hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, cùng nối với các vùng đầm liên hoàn khác, kể cả vụng Lăng Cô. Môi trường nước lợ với đa dạng sinh học thủy hải sản đã hình thành nên cộng đồng dân cư vùng thủy diện không giống ai, vừa là nông dân nhưng cũng vừa là ngư dân, vừa cố định, vừa có khi rày đây mai đó…

Hệ sinh thái đồng bằng ở Thừa Thiên Huế gắn với nền nông nghiệp chuyên canh với đặc tính tận dụng thời gian nhàn nông (khá dài) để phát triển các làng nghề. Vì vậy bên cạnh làm ruộng, vùng đồng bằng ở đây còn xuất hiện các làng nghề nổi tiếng: làng Sình vẽ tranh, làng Thanh Tiên làm hoa giấy, làng Phò Trạch đan đệm, làng Bao La đan lát, làng Dạ Lê làm gót, làng Hương Cần làm nón, làng Chuồn nấu rượu, làng Phước Tích làm gốm… Một đặc điểm hết sức lý thú là trong hệ sinh thái đồng bằng, Huế hình thành cho mình một hệ sinh thái vườn, đến mức “vườn hóa” cả đô thị Huế, nâng lên thành một nghệ thuật sống đầy minh triết. Vườn Huế chính là vườn văn hóa, vườn nhân văn. Không chỉ xuất hiện ở đô thị, mà còn ở các lăng tẩm, các lâm viên lớn như Thiên An, Bạch Mã…

Hệ sinh thái đồi núi cũng hết sức đặc biệt. Vùng đồi Thừa Thiên Huế về sau này gắn rất chặt với các cộng đồng đồi núi ở Bình Điền, Bình Thành, Hòa Mỹ… làm nghề trồng rừng, nuôi ong, xây dựng các trang trại vườn – ao – chuồng. Vùng rừng núi với nhiều cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã chuyển hình thức canh tác từ hái lượm, săn bắn ngàn xưa sang làm ruộng, trồng rừng, nuôi ong, nuôi bò, trang trại và duy trì phát triển nghề dệt zèng…

Sinh thái và đời sống xã hội

Hệ sinh thái đã ảnh hưởng trực tiếp đến diễn trình thành lập các làng xã. Điều còn lưu dấu sinh động đến nay là đời sống tâm linh của các làng quê. Hệ thống thần linh và thành hoàng các làng đã hình thành nên một đặc trưng văn hóa hết sức đa dạng của Thừa Thiên Huế. Người Huế không chỉ thờ các thần linh chung của cộng đồng dân Việt như Táo quân, Thổ công, Thổ địa, Thủy thần, Sơn thần…, các nhân thần đất nước như Liễu Hạnh công chúa, An Dương Vương, Đức Thánh Trần…, mà còn thờ các thần có gốc gác từ Champa (Thiên Y A Na, Kỳ Thạch Phu nhân…), từ Trung Hoa (Quan Thánh Đế quân, Cửu Thiên Huyền Nữ…). Việc thờ cúng hình thành nên các lễ hội lớn còn lưu truyền đến ngày nay: lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Điện Hòn Chén, Tế xuân thu nhị kỳ ở các làng…

Đó còn chưa kể cùng một làng mà dân làng kiếm sống bằng các nghề khác nhau nên thờ nhiều vị thần khác nhau. Ví như làng Sình làm nghề in tranh gỗ, vừa lên rừng kiếm cây vang, cây hòe làm màu, vừa xuống biển mò ngao, sò về làm bột điệp…, nên trong hội vật làng Sình (10 tháng giêng) hàng năm, vừa có nghi lễ cầu Thủy thần ban cho “sóng yên bể lặng”, còn cầu Sơn thần ban cho “chân cứng đá mềm”…

Hệ sinh thái đi vào ca dao tục ngữ cũng rất đa dạng phong phú. Chỉ ở Huế mới có câu: “Ngó lên trên rừng: long, ly, quy, phụng/ Ngó xuống dưới biển: lệch, lạc, lươn, chình”. Đây là sản vật các vùng: “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh/ Chợ Dinh bán áo con trai/ Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim”; “Phò Trạch đan đệm đan bao/Phú Nông tép cá, làng Rào ốc đam…”.

Sinh thái đi vào đời sống ẩm thực đã khiến Huế trở nên một lãnh địa ẩm thực với nhiều món ngon nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Phát triển Huế trên căn nền tôn trọng di sản sinh thái

Người xưa khi xây dựng Kinh thành Huế, bên cạnh việc vận dụng tư tưởng phong thủy theo Dịch lý phương Đông, thì cũng đã ứng dụng những kiến thức hiểu biết về địa lý sinh thái – nhân văn trên toàn cõi Thừa Thiên Huế từ rừng xuống biển. Đặc biệt khi xây dựng đô thị Huế, những chủ nhân Huế xưa đã biết xây dựng cho mình một đô hội hài hòa rất mực với thiên nhiên, với những ngôi nhà trong vườn cây, những ngôi chùa im bóng cây, những chòm xóm khuất trong xanh cây, những công trình kiến trúc tương ứng với cỏ cây…

Nhiều chuyên gia nhận ra chân giá trị đó nên đã đề xuất phải duy trì và phát triển cho được thành phố Huế - thành phố vườn thành đô thị sinh thái đặc trưng số một của cả nước. Huế cần được quy hoạch xây dựng với không gian xanh, vành đai xanh, các khu chức năng riêng biệt… Ngoài việc bảo tồn không gian văn hóa nghệ thuật kiến trúc, chú ý bảo tồn không gian tự nhiên từ các thành tố cấu thành đô thị như không gian sông Hương, không gian nhà vườn và hình thái đô thị - nông thôn cũng như không gian văn hóa lịch sử Huế…

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay là không xây dựng Thừa Thiên Huế thành một đô thị náo nhiệt, những khu công nghiệp tiếp nối với mật độ dân cư đông đúc; mà phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan. Bên cạnh đó, sẽ lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.

Thừa Thiên Huế đang là đô thị di sản nên mô hình phát triển bền vững của tỉnh chỉ có thể là phát triển tiếp nối, trên cơ sở giá trị của các hệ sinh thái – nhân văn; trong đó kết hợp nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, cải tạo, hiện đại hóa…

Xem ra, sinh thái – nhân văn với màu xanh trường cữu của nó, sẽ là điểm nhấn xuyên suốt của không gian Huế xưa, nay, và tương lai.

Bài: HỒ HOÀNG THẢO

Ảnh: NGỌC SƠN - VÕ NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn

Với niềm đam mê chăn nuôi, trồng trọt, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1995 ở phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình “hệ sinh thái” tuần hoàn với nhiều sản phẩm đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

Những ngày giao mùa sang thu, các bạn sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào đã có dịp đặt chân đến Huế. Tại đây, họ đã có những trải nghiệm thú vị về văn hóa tại mảnh đất Cố đô cùng những người bạn Việt Nam.

Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế
Hà Nội phát triển không gian xứng tầm Thủ đô của cả nước

Hà Nội đang vươn mình phát triển mạnh mẽ với không gian phát triển xứng tầm Thủ đô của cả nước và được nhiều nước trên thế giới vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội về vấn đề này.

Hà Nội phát triển không gian xứng tầm Thủ đô của cả nước

TIN MỚI

Return to top