ClockThứ Bảy, 13/04/2024 07:08

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

TTH - Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Cảng cá Thuận An sau gần 3 năm thi công

Cảng cá Thuận An (TP. Huế) đã giao cho đơn vị quản lý tiếp nhận nhưng vẫn chưa hoạt động được do thiếu bình đồ luồng cảng 

Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh đã triển khai Dự án (DA) xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.

DA gồm 3 DA thành phần: Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (TP. Huế) có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng; Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (Phú Lộc) có tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (Phú Vang) với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, đã hoàn thành và bàn giao đưa cho đơn vị quản lý 2 DA Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và DA Nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải. Còn lại dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão đang hoàn tất các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay DA Cảng cá Thuận An vẫn chưa đưa vào hoạt động khai thác do thiếu bình đồ luồng cảng và chưa công bố mở cảng theo quy định.

Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế (đơn vị quản lý DA) cho biết, dù công trình Cảng cá Thuận An đã bàn giao cho Ban quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế quản lý, vận hành từ tháng 1/2024, đơn vị quản lý cũng đã tiếp nhận và chuyển vào hoạt động tại khu nhà điều hành, nhưng khu cảng cá Thuận An chưa thể hoạt động vì thiếu bình đồ đo độ sâu luồng lạch, chưa hoàn thành thủ tục đăng ký công bố mở cảng.

Quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã tiến hành nạo vét khu vực neo đậu tàu thuyền, luồng lạch, đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm (tàu 6.000CV có thể đi vào được). Tuy nhiên, việc nạo vét dưới mặt nước biển vô cùng phức tạp, khó khăn.

Vì vậy, để xây dựng bình đồ đo độ sâu cảng, cần tổ chức kiểm tra, rà soát, nạo vét lại những vị trí còn sót, cục bộ. Dự kiến, chiều dài nạo vét khoảng 100m, từ âu neo đậu ra đến luồng hàng hải cửa biển Thuận An.

Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) thông tin, đến thời điểm hiện tại, đơn vị quản lý đã hoàn thiện các thủ tục mở cảng gửi các cơ quan có thẩm quyền như đơn đề nghị công bố mở cảng; nội quy, phương án khai thác cảng cá của cảng cá; biên bản nghiệm thu công trình cảng cá đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng kèm theo bản vẽ hoàn công; thông báo hàng hải về luồng của cảng và vùng nước trước cầu cảng; văn bản kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…

“Các hồ sơ trên hiện tại đã cơ bản đảm bảo, cơ quan quản lý đang thực hiện các thủ tục, tư vấn giám sát đo vẽ bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng gửi cơ quan chức năng để đăng ký công bố mở cảng”, ông Thái Văn Phúc khẳng định.

Trước đó, để đảm bảo lưu thông cho tàu cỡ lớn khi vận chuyển hàng hóa ra vào Cảng cá Thuận An và trong tình huống cần tránh trú bão, tăng tính ổn định bền vững cho công trình và bổ sung lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Sở NN&PTNT đã xin chủ trương UBND tỉnh cho phép điều chỉnh DA để sử dụng nguồn kinh phí dự phòng còn lại đầu tư thêm một số hạng mục.

Theo đó, sẽ nạo vét luồng tuyến khu neo đậu, luồng tàu ra vào cảng có chiều dài 740m từ cao độ âm 2,6 - 3,4m (tăng 0,8m so với thiết kế ban đầu); xây nhà để xe, khu quản lý điều hành, lát gạch khu hạ tầng kỹ thuật… Đến nay các hạng mục bổ sung đã hoàn thành.

Theo ông Thái Văn Phúc, công trình Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão khi đi vào khai thác sử dụng sẽ đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá để tiện lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản; đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ như: đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực, có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước...

Hệ thống các kho bãi lưu trữ hàng, nhà cấp đông, nhà máy nước đá, nhà làm việc và các khu dịch vụ khác; đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên (công suất từ 45 đến 300 CV), nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão, phát triển bền vững nghề cá.

Công trình cũng sẽ tạo điều kiện cho việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá; cải thiện môi trường khu vực nhằm góp phần nâng cao năng lực nghề cá, xoá đói giảm nghèo khu vực ven biển, khu vực đầm phá.

Đã được bố trí vốn

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp vốn cho DA Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản triển khai trên địa bàn vùng biển Phú Lộc. Theo đó, DA được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư là 170 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư đang chuẩn bị triển khai. DA gồm 2 hợp phần: Thả rạn nhân tạo khoảng 3km2 và hợp phần phục hồi, tái tạo rạn san hô khoảng 4ha đến 6ha.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

Ngày 20/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nhằm phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao.

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

TIN MỚI

Return to top