ClockThứ Bảy, 18/07/2015 16:08

Sóng sánh dầu lạc Mỹ Lợi

TTH - Cứ đến mùa lạc là không khí của làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) lại rộn ràng như hội. Từ sớm tinh mơ, tiếng máy xay xát đã náo động cả khoảng không gian. Người dân hồi hộp chờ những giọt dầu lạc đầu tiên được “hóa thân” từ những hạt lạc.

Không bán lạc dưới dạng thô, người dân làng Mỹ Lợi đã quen với việc ép lạc thành dầu và bánh dầu. Trong cuốn Địa chí - Văn hóa làng Mỹ Lợi (NXB Thuận Hóa-1999), khi nhắc đến hạt lạc, tác giả biên soạn viết: “Ngoài các hình thức truyền thống như phơi khô để dành, ở đây còn ép lấy dầu dùng làm thực phẩm cho người, bã thì để chăn nuôi gia súc… Bã đậu ép thành bánh dầu, hoặc giã nhỏ bón thuốc lá, hoặc cho lợn ăn”. Các xã Vinh Giang, Vinh Hải… cũng có nếp làm này từ lâu.

Bà con ở làng Mỹ Lợi gọi nơi ép lạc là “bộng”. Thắc mắc về cái tên bộng, ông Huỳnh Phòng, một chủ bộng cho hay: “Thời trước, người ta dùng một cây gỗ nguyên rồi đục cho rỗng ruột để ép dầu lạc. Vì thân gỗ bị đục rỗng nên được gọi là bộng…”. Và họ gọi vui những người làm trong bộng là “ông bộng”. Ông bộng theo nghĩa của người dân nơi đây là những người nông dân có sức vóc trong làng, họ hợp tác với nhau quản lý bộng để vừa giải quyết nhu cầu ép dầu cho gia đình, vừa có thêm thu nhập.

Ông Phòng còn cho biết:”Nghề này xuất hiện từ năm 1945: Lúc đầu bộng được làm bằng gỗ. Trải qua một thời gian, người ta thay bộng bằng sắt, dễ làm hơn... Bộng ở Mỹ Lợi đáp ứng cho nhu cầu ép dầu lạc của các xã Vinh Mỹ, Vinh Giang, Vinh Hải, Vinh Hiền, Vinh Hưng. Đôi khi người từ nơi khác, như Truồi cũng mang sang đây để ép”… Dầu lạc ở Mỹ Lợi rất được ưa chuộng. Ngoài vị thơm ngon của loại dầu nguyên chất, người ta còn thích thú với quy trình làm ra loại dầu này. Hiện tại, 1 lít dầu lạc có giá 100 ngàn đồng, cao gấp ba so với dầu ăn công nghiệp, nhưng số lượng dầu vẫn không đáp ứng nhu cầu.

Để có được những giọt dầu lạc thật không dễ dàng. Lạc sau khi được thu hoạch phải loại bỏ rễ, phơi thật khô từ một đến ba nắng (ba ngày có nắng). Lạc đủ tiêu chuẩn để ép là những hạt đã phơi đủ khô để bóc lớp vỏ lụa bên trong hạt. Những hạt lạc ấy được chở đến máy xay, xay thật nhỏ, thật mịn. Sau đó, được nấu chín như xôi bằng một nồi hong to. Những phần lạc ấy sẽ được gói chặt lại, đặt vào bộng và được ép cho đến khi khô kiệt dầu.

Các ông bộng ngoài việc vận dụng sức lực vào việc ép dầu lạc còn phải chịu đựng sức nóng từ nồi hong luôn đỏ lửa. Việc ép dầu lạc đòi hỏi sự ăn ý nhịp nhàng, luôn có người canh củi lửa, vì vậy các ông bộng phải tranh thủ mọi lúc để ăn cơm và giải quyết các công việc riêng. Bắt gặp hình ảnh các ông bộng ăn vội một miếng cơm để tranh thủ công việc ép dầu, chúng tôi thấu hiểu được sự vất vả của họ với nghề này. Trên địa bàn Mỹ Lợi hiện có đến trên dưới 20 hộ làm nghề ép dầu lạc. Các thiết bị, công nghệ thô sơ là gian khó, nhưng bù lại chất lượng dầu rất cao, bán được giá nên người dân cũng ‘sống được” với nghề.

Chia tay các ông bộng, nhìn những giọt dầu sánh vàng đang được chắt lọc từ hạt lạc, chúng tôi càng thấm thía sự gian khổ của người ép dầu lạc. Những giọt dầu đều mang nặng giọt mồ hôi.

Mai Thị Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 22/11, UBND huyện Phú Lộc tổ chức công bố quyết định và đón bằng công nhận xã Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến dự buổi lễ có ông Đặng Ngọc Trân, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Return to top