|
|
VAMA đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế TTĐB đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023 và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: TC Group. |
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, Bộ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về đề xuất gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023.
Theo đó, thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2023; thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 7/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2023; thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 8/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2023; thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 9/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2023.
Trong tháng 1/2023, tổng số thuế TTĐB phải nộp của 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là 1.024 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế đã nộp là 1.008 tỷ đồng, số tiền thuế còn phải nộp là 15,9 tỷ đồng.
“Về việc tiếp tục gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023, Bộ Tài chính đã cân nhắc các trường hợp không gia hạn và gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trường hợp không gia hạn, ưu điểm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tuân thủ các quy định về đối xử quốc gia của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, nhược điểm của phương án này là sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thể sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức như UBND tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình và Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đề cập như: Lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp phát sinh trong quý IV/2022 và những dự đoán về tình hình khó khăn đối với thị trường tàichính, tín dụng trong năm 2023.
Giới tài chính cho rằng: Việc gia hạn nộp thuế TTĐB sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hồi phục dần, trải qua quãng thời gian dịch bệnh bùng phát với nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ sự hỗ trợ đúng đắn thông qua chính sách của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã phục hồi mức tăng trưởng và doanh số năm 2022 vượt năm 2019.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), với kiến nghị tiếp tục giãn nộp thuế TTĐB, giảm lệ phí trước bạ với ô tô, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng. Trước đó, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành ô tô phục hồi sau dịch. “Chính phủ cần cân đối ngân sách, để xem xét mức giảm, gia hạn mức nào cho phù hợp, phải cân đối lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và người dân. Trước mắt cần xem xét ưu tiên miễn giảm cho một số ngành sản xuất khó khăn đặc biệt trước”, ông Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị lùi thời gian nộp TTĐB năm 2023 và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Lý do được đưa ra là từ cuối quý 4/2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của doanh nghiệp, chi phí tài chính tăng cao. Dẫn chứng, doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2023 giảm tới 60% so với tháng trước và 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên trong tháng 2/2023, thị trường ô tô nói chung đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Đây là tiền đề để kì vọng vào mức doanh số tăng trưởng cao hơn trong các tháng kinh doanh tiếp theo.
Thống kê của VAMA cho hay: Doanh số xe bán ra thị trường tháng 2/2023 là 20.560 xe, tăng hơn 3.000 xe so với tháng 1/2023, bao gồm 15.681 xe du lịch, 4.692 xe thương mại và 187 xe chuyên dụng. Riêng doanh số xe du lịch tăng 11,7% so với tháng trước.
“Tổng doanh số xe Hyundai tháng 2/2023 đạt 5.467 xe. Hyundai Accent tiếp tục là mẫu xe có số lượng bán hàng tốt nhất với 1.564 xe đến tay khách hàng, tăng trưởng 52,7% so với tháng 1/2023; Hyundai Creta đứng ởi vị trí thứ 2 và Hyundai Grand i10 đứng ở vị trí thứ 3 với kết quả bán hàng khả quan, đặt 949 xe, tăng 50,1% so với tháng bán hàng trước đó...”, đại diện TC Group cho biết.
Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô
Theo Bộ Tài chính, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, Bộ đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung… Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.